Quảng Nam:

Nợ trăm tỷ, chủ doanh nghiệp "mất tích"

Hơn 2 tuần qua, hàng chục người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và tỉnh Kon Tum bỏ làm, dùng ô tô tải bao vây cổng Nhà máy cồn ethanol Đại Tân của Công ty Cổ phần Đồng Xanh (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để đòi nợ.

Theo một số người dân, món nợ phải trả của công ty này lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng lãnh đạo công ty đã “mất tích”.

Công ty cổ phần Đồng Xanh. Ảnh Internet.


Cũng theo nguồn tin từ những chủ nợ, số tiền Công ty Cổ phần Đồng Xanh nợ người dân là tiền nợ trong việc thu mua nguyên liệu, bốc vác và chi phí ăn uống. Sau nhiều lần cam kết trả nhưng vẫn lỡ hẹn, ngày 15/11 vừa qua, hàng chục nhà cung cấp nguyên liệu sắn tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã đến nhà máy yêu cầu Công ty Đồng Xanh trả nợ và được ông Lưu Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Xanh cam kết đến ngày 2/12 sẽ bán cồn, sắn nguyên liệu để trả cho dân.

Tuy nhiên, đến ngày 3/12, người dân đến nhà máy để lấy tiền thì mất liên lạc với lãnh đạo công ty. Lo bị quỵt nợ, hàng chục người dân đã túc trực trước cổng nhà máy này 24/24 giờ để chờ gặp lãnh đạo và canh không cho ai tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, có thông tin là công ty Đồng Xanh còn nợ của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Đà Nẵng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Do sợ ngân hàng thanh lý hàng ngàn tấn cồn xuất khẩu và cồn khô đang nằm trong kho nên người dân đã dùng xe tải bít ngang trước cổng chính và cổng phụ của nhà máy để không cho ai đưa tài sản ra ngoài.

Ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: Vừa qua, UBND huyện đã làm việc với công ty Đồng Xanh và được ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch HĐQT công ty này cho hay công ty vay của một số ngân hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng, nợ người dân hơn 20 tỷ đồng và 7 tỷ đồng nợ lương, bảo hiểm của công nhân. Lãnh đạo huyện đã đề nghị Công ty Đồng Xanh cũng như các ngân hàng ưu tiên trả nợ trước cho người dân sau khi thanh lý tài sản bởi tiền của người dân tuy ít hơn so với các khoản nợ của Ngân hàng nhưng là nguồn thu nhập chính của người lao động.


Trao đổi về vụ việc này, ông Lê Nho Tâm, Phó trưởng công an huyện Đại Lộc cho rằng Công an huyện đã chủ động đến giải thích cho người dân hiểu để không gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân có thể khởi kiện ra toà án để giải quyết tranh chấp dân sự.

Nhà máy cồn ethanol Đại Tân được đầu tư xây dựng khoảng 600 tỷ đồng trên diện tích 18ha, công suất 100.000 tấn cồn ethanol/năm, tương đương 125 triệu lít/năm, là nhà máy ethanol lớn nhất Việt Nam và là một trong 3 nhà máy lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy sử dụng khoảng 300 công nhân và tiêu thụ nguyên liệu sắn khô của 2 vạn nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên.


Nguyễn Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN