Hải quan Gia lai – Kon Tum: “Gác cửa nền kinh tế” và góp phần ổn định vùng biên Tây Nguyên

Quản lý tới 2 địa bàn rộng lớn, trên vùng Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum có đường biên giới với 2 nước bạn Lào và Campuchia, Hải quan Gia Lai – Kon Tum không phải chỉ có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan, tổ chức thực thi pháp luật về hải quan như những người “gác cửa nền kinh tế đất nước”, mà còn phải tham gia vào ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương… Đặc biệt, họ còn phải tham gia cùng các lực lượng chức năng và nhân dân canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

Căng sức trên một địa bàn khó khăn nhiều mặt

Toàn bộ Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum có 7 đơn vị trực thuộc gồm 2 phòng chức năng, 1 Đội Kiểm soát Hải quan và 4 chi cục gồm: Hải quan cửa khẩu Bờ Y; Hải quan cửa khẩu Lệ Thanh, Hải quan Kon Tum và Kiểm tra sau thông quan. Đội ngũ cán bộ, công chức hải quan của cả đơn vị (bao gồm cả hợp đồng) là 98 người trên một địa bàn khu vực Bắc Tây Nguyên, trong đó địa phận Gia Lai có đường biên giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) dài 90 km và địa phận Kon Tum giáp tỉnh A tô pư (Lào) dài 142 km và giáp Ratanakiri dài 138 km, thì quả là quá khiêm tốn về lực lượng. Để ngày đêm cùng lực lượng chức năng khác canh giữ biên cương, bên cạnh nhiệm vụ chính là “canh cổng nền kinh tế đất nước” thì Hải quan Gia Lai – Kon Tum luôn phải căng sức, không một phút lơi là….

Theo ông Hà Thái Long, Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, mặc dù 2 tỉnh này tuy giàu về tiềm năng đất đai, khoáng sản, cây công nghiệp, lâm nghiệp, nhưng xuất phát điểm về kinh tế rất thấp so với các tỉnh trong khu vực, vốn đầu tư trong và ngoài nước không nhiều; các tỉnh Ratanakiri và A tô pư có biên giới tiếp giáp thì kinh tế còn lạc hậu, tự cung, tự cấp là chủ yếu… Do vậy, yếu tố xuất, nhập khẩu trên địa bàn là khó khăn. Hàng hóa xuất, nhập khẩu làm thủ tục tại các đơn vị không đa dạng về chủng loại và loại hình, có thuế suất thấp. Hàng hóa nhập khẩu trong những năm gần đây chủ yếu là hàng đầu tư nhập khẩu tạo tài sản cố định (máy móc thiết bị thủy điện), nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và tạm nhập tái xuất như cao su, hạt điều, gỗ nguyên liệu và hàng nông sản từ Campuchia, Lào. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị thi công công trình, cây giống, xăng dầu tái xuất và các hàng hóa do Việt Nam sản xuất…

Cán bộ hải quan (bên trái) và bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) tuần tra biên giới. Ảnh: Phương Mai


Khó khăn là vậy nhưng nhiệm vụ thu thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách vẫn là mục tiêu mà Hải quan Gia Lai – Kon Tum vẫn luôn phải đặt ra năm sau cao hơn năm trước!

Đẩy mạnh hoạt động Hải quan qua việc triển khai NQ 11 của Chính phủ và Tuyên ngôn phục vụ khách của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK đã được Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum triển khai thực hiện quyết liệt trong những năm qua. Nhưng sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Quyết định 225 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về Tuyên ngôn phục vụ khách hàng thì Hải quan Gia Lai – Kon Tum đã xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện một cách cụ thể. Cục đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 và thành lập Tổ chỉ đạo, giám sát việc triển khai Tuyên ngôn phục vụ khách hàng…

Với những nỗ lực trên, hoạt động hải quan của đơn vị đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến ngày 11/8/2011, kim ngạch XNK làm thủ tục hải quan tại các đơn vị trực thuộc đã đạt 119.746.431 USD, tăng 18% so cùng kỳ 2010; Thu ngân sách được 112,47 tỷ, đạt 118% so chỉ tiêu cả năm 2011…Theo ông Nguyễn Xuân, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, công tác quản lý thuế, tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đã được tăng cường kiểm mạnh mẽ. Cục đã cử một tổ công tác đến tận một số doanh nghịêp tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam để làm việc và đã thu được 155.665.178 triệu đồng tiền nợ thuế quá hạn.

Cục cũng đã làm những cuộc khảo sát các doanh nghiệp bằng phiếu thăm dò về sự hài lòng đối với công chức của Cục Hải quan Gia lai – Kon Tum trong tháng 6/2011 và kết quả là tất cả các phiếu phản hồi đều đánh giá cao đối với công tác cải cách thủ tục hải quan của đơn vị… Trong cả năm 2010 và 8 tháng đầu năm 2011, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum chưa phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo đối với cán bộ, công chức của đơn vị về thái độ phiền hà, gây sách nhiễu đối với doanh nghiệp. Trong 2 cuộc tọa đàm “Môi trường kinh doanh – những khó khăn về Thuế và Hải quan” do Phòng Thương mại Công nghiệp – Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức tại Gia Lai và Kon Tom vào tháng 6/2011, các doanh nghịêp tham dự tọa đàm đều ghi nhận công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan của Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum rất tốt.

Chống buôn lậu gỗ, ma túy - cuộc chiến không ngơi nghỉ

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn này chủ yếu là mặt hàng gỗ xẻ, gỗ đẽo (loại hàng hóa siêu lợi nhuận) các loại qua khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu… Do vậy, trong cuộc chiến chống buôn lậu hàng hóa nhạy cảm này, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum trước hết phải thường xuyên tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các địa bàn xã giáp ranh biên giới không buôn lậu hay tiếp tay cho buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cục cũng thường xuyên cử cán bộ công chức chuyên trách xuống địa bàn nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn biên giới để thu thập thông tin, nghiên cứu nắm tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và phối hợp cùng đấu tranh phòng, chống buôn lậu…. Đặc biệt, Cục còn tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ tại khu vực các cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Bờ Y để nắm tình hình địa bàn, có biện pháp hữu hiệu đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới…

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum Nguyễn Xuân cho biết: Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hải quan và các lực lượng chức năng, nên nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đã bị phát hiện và xử lý kịp thời. Cụ thể: Chi cục Hải quan cửa khẩu Lệ Thanh phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu tổ chức tuần tra kiểm soát đã phát hiện và tịch thu 200 kg gỗ nhóm 1; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y, Tổ soi chiếu hành lý đã phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép vũ khí từ Lào vào Việt Nam, trong đó 1 hành khách Lào mang 1 khẩu súng K.59, 8 viên đạn và 1 hành khách Việt Nam mang nòng và cò súng nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo. 2 vụ việc này đã được đơn vị chuyển giao cho Đồn Biên phòng 677- Cửa khẩu Bờ Y xử lý theo qui định của pháp luật… Trong công tác phòng, chống ma túy, các đơn vị trong Cục cũng thường thường xuyên tổ chức điều tra, nghiên cứu nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm; phối kết hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn để trao đổi thông tin về các đối tượng, địa bàn hoạt động và phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy; tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và đột xuất đến các địa bàn trong phạm vi hoạt động….

Bên cạnh việc “gác cửa nền kinh tế đất nước”, các chiến sỹ hải quan ở đây còn phải cùng các chiến sỹ biên phòng ngày đêm canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Tại nơi cắm mốc ranh giới quốc gia giữa ta và bạn láng giềng Campuchia, nhưng chưa đổ bê tông cố định cột mốc, thì 24/24, các chiến sĩ của 2 lực lượng hải quan – biên phòng phải mắc màn chịu rét, chịu sương nơi núi rừng để canh giữ cột mốc. Nhìn căn chòi xiêu vẹo dưới tán rừng, không điện, không nước sạch…, mới thấy hết nỗi gian nan mà các chiến sĩ phải chịu đựng. Ấy vậy mà lúc nào họ cũng tươi rói, vì sự bình yên của mảnh đất cha ông…

Hoàng Yến - Thu Hương


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN