01:23 12/01/2016

Doanh nghiệp chưa chú trọng lợi ích của phản hồi chính sách

Các doanh nghiệp không thể chỉ đứng ngoài quan sát mà cần tham gia và tích cực tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh, quan tâm đến công tác phản hồi chính sách để góp phần cùng với Nhà nước cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.

Doanh nghiệp được “chấm điểm” cho chính quyền

Thường kỳ hàng năm, các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực hoạt động đều được khuyến khích tham gia khảo sát, đánh giá và “chấm điểm” công tác điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương; đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành; cũng như bình xét và xếp hạng các văn bản quy phạm pháp luật có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tham vấn ý kiến vào quá trình soạn thảo, xây dựng chính sách pháp luật, đồng thời có những kiến nghị để chính sách pháp luật được điều chỉnh kịp thời và dễ dàng thẩm thấu, đi vào đời sống.

Quan tâm đến phản hồi chính sách, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, chính quá trình cọ xát, phản hồi sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương… liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đánh giá vai trò của doanh nghiệp và Nhà nước trong xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, tính chủ động của doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật còn rất kém. Qua thực tiễn tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, hội nghị do Bộ và Sở Công Thương thành phố chủ trì đều tổng hợp được rất ít ý kiến đóng góp và tham vấn từ phía các doanh nghiệp.

Ông Nhung cho rằng, đâu đó, doanh nghiệp chỉ kêu khó khăn, vướng mắc qua những kênh không chính thức, nhưng khi được trao quyền nói lên tiếng nói của mình, bày tỏ quan điểm của mình và chủ động thông tin tích cực về ngành, lĩnh vực kinh doanh của mình thì doanh nghiệp lại e dè, ngần ngại…

Nhiều lợi ích từ phản hồi chính sách

Đúng như thực tế, có rất ít doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn về những bất cập trong chính sách điều hành và các văn bản pháp luật về kinh doanh nên chưa tạo được sức nặng phản hồi. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải, nhiều doanh nghiệp phó mặc vấn đề xây dựng pháp luật cho Nhà nước và coi đó là “việc của mấy ông Trung ương” nên phổ biến tình trạng hiện nay là doanh nghiệp không biết đến nhiều chính sách mới, hoặc biết quá chậm khi chính sách đã được ban hành và đi vào thực hiện. Chính vì thiếu sự trao đổi, lấy ý kiến nên nhiều quy định không phù hợp với cuộc sống, nhanh chóng nảy sinh bất cập và phải sửa đổi.

Là người trực tiếp triển khai nhiều chương trình, dự án khảo sát ý kiến tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành (MEI) và xếp hạng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật…, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, các quy định pháp luật ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Nhiều văn bản tốt giúp thúc đẩy doanh nghiệp đi lên, nhưng cũng có những văn bản không tốt, không phù hợp có thể dẫn tới sự lụi bại của doanh nghiệp.

Dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra rằng, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ đã “dỡ bỏ” quy định về mức trần chi phí quảng cáo, điều này không chỉ tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện hoạt động này, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo. Hay như quy định về điều kiện kinh doanh vốn đối với các doanh nghiệp ngành in ấn, Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã yêu cầu thêm nhiều giấy phép khi nhập khẩu thiết bị in hay khi có khách hàng đặt in là người nước ngoài… cùng các quy định về tự kiểm duyệt, trách nhiệm lưu trữ… đã khiến khoảng 3.000 doanh nghiệp ngành in lâm vào khó khăn, tăng thêm chi phí hoạt động, hoặc thậm chí mất cơ hội làm ăn với các đối tác nước ngoài…

Gần đây nhất, là quy định về ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu. Theo dự thảo văn bản pháp luật, doanh nghiệp bị yêu cầu phải ký quỹ vào Quỹ Bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Tuy nhiên, với những kiến nghị từ phía các doanh nghiệp ngành thép, ngành giấy, các hiệp hội và của VCCI, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp ký quỹ vào ngân hàng thương mại với tỷ lệ thấp hơn và được hưởng lãi suất ngân hàng. Như vậy, ước tính, giúp tiết kiệm đến 90% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: “Từ đây cho thấy, doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật là hoàn toàn có thể và mang lại lợi ích thực tế”.

Từ thực tế trên, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị: “Doanh nghiệp không thể chỉ đứng ngoài quan sát mà cần tích cực tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh với nhiều cách thức khác nhau và tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động cũng như hoàn cảnh của từng doanh nghiệp. Chính sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và mang lại lợi ích thực tế giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình”.
Thạch Huê