02:20 07/02/2017

Doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo vì người lao động còn...ăn Tết

Nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh "lo sốt vó" khi đã bước sang tuần thứ 2 mà người lao động vẫn còn mãi "ăn Tết" chưa quay trở lại làm việc.

Đỏ mắt tìm người


Có kế hoạch khai trương ngay từ mùng 6 Tết nhưng gần một tuần lễ trôi qua quán ăn của chị Nhẫn ở số 169 Nguyễn Văn Thủ (quận 1) vẫn chưa bán hết tất cả các món có trong thực đơn. Là quán cà phê kiêm cơm trưa văn phòng, bún cá phục vụ cho dân công sở nhưng hiện quán chị chỉ bán cà phê và bún, còn cơm văn phòng chưa biết ngày nào sẽ mở bán.


"Cuối năm sau khi lĩnh lương, tiền thưởng Tết xong hầu hết nhân viên, phục vụ, đầu bếp đều hứa hẹn sẽ có mặt ngay mùng 5 Tết để dọn quán, bắt tay ngay vào làm việc ngày hôm sau, thế nhưng đến hôm nay, chưa đến 50% nhân viên có mặt. Trong khi đặc thù quán ăn, cơm văn phòng nên tôi rất cần đội ngũ phục vụ, đầu bếp nhanh nhẹn, có kinh nghiệm", chị Nhẫn, quản lý quán than.


Còn tại Công ty CP TM&DV Truyền thông Kim Hoàng (số 6 Nguyễn Văn Dưỡng, quận Tân Phú, chuyên gia công may mặc cho đối tác Nhật) những ngày này cũng đang rối bời vì thiếu nhân công. Xưởng may của đơn vị cũng bắt đầu làm việc ngay từ mùng 6 Tết và số công nhân đến làm việc chưa đến 20%. Số còn lại bắt đầu lác đác "nhập cuộc" từ mùng 9,  mùng10 nhưng vẫn nại "101" lý do để lãng việc.


"Bây giờ kiếm người làm khó lắm. Trong khi mọi người cứ lo không có việc làm mà có việc thì không chịu làm hoặc có những đòi hỏi rất vô lý. Lao động phổ thông còn tương đối dễ kiếm hơn một chút, nhưng các đối tượng có tay nghề, trình độ thì rất khó kiếm", chị Võ Thị Kim Hoàng, Giám đốc Công ty CP TM&DV Truyền thông Kim Hoàng cho biết.

Dù đã đi vào hoạt động gần tuần lễ nhưng nhiều doanh nghiệp may vẫn thiếu người lao động.

Theo các chuyên gia trong ngành, nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh hiện đang bộc lộ rất nhiều hạn chế như nghịch lý về cơ cấu đào tạo ngành nghề, xu hướng chọn nghề… Thị trường lao động đang rất thiếu lực lượng nhân lực làm việc thật sự, không mất nhiều thời gian đào tạo lại và không liên quan nhiều đến bằng cấp. Các doanh nghiệp khó khăn tìm lao động không phải vấn đề mới nhưng thường trở nên nan giải thời điểm đầu năm mới khi người lao động vẫn mãi mê chơi tết ở quê nhà mà ...quên làm việc theo đúng như cam kết.


Rầm rộ tuyển dụng


Đón trước nhu cầu khan hiếm lao động đầu năm, ngay từ thời điểm cuối năm 2016, các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển, mở rộng trong năm mới đã lên kế hoạch tuyển dụng. Tại Công ty CP TM &DV Nhà VinaHome, doanh nghiệp đã đăng thông tin tuyển những vị trí như trưởng bộ phận kinh doanh, bếp trưởng... nhưng hiện vẫn chưa tìm được người như ý.


"Sau khi thành công với lĩnh vực cho thuê nhà, năm nay đơn vị quyết định phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cho thuê văn phòng... Điều chúng tôi lo sợ nhất không phải là vốn hay chiến lược kinh doanh mà là con người vận hành. Đáng lý công việc phải chạy ngay từ mùng 10 nhưng do chưa hoàn thiện bộ khung nên chúng tôi vẫn phải đợi tìm người", anh Hồ Ngọc Kính, Phó Giám đốc Công ty CP TM&DV Nhà VinaHome, than thở.

Đăng biển tuyển lao động nhưng nhiều doanh nghiệp nhận rất ít sự quan tâm của người lao động.

Tương tự ông Nguyễn Tường Quang, Trưởng bộ phận quản lý nguồn tuyển Ngân hàng Sacombank, cho biết hiện các ngân hàng đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên  rầm rộ trở lại. Năm 2017 dự kiến ngân hàng sẽ tuyển khoảng 2.000 nhân sự cho các phòng ban, chi nhánh. Riêng Tập đoàn FPT ước tính đến năm 2020 tập đoàn cần tuyển khoảng 50.000 nhân sự ở nhiều vị trí. 


Ngay trong quý 1 năm nay, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trên địa bàn thành phố cần hơn 70.000 chỗ làm việc và cả năm 2017 con số ước lên đến khoảng 300.000 lao động. Các ngành nghề cần nhiều lao động nhất vẫn thuộc về các ngành nghề dịch vụ, chế biến thực phẩm, dệt may, vận tải…


"Hiện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế Asean… nên nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp luôn dồi dào. Tin vui là năm nay thị trường lao động trên địa bàn đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Theo đó, chương trình khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu khởi động, giới trẻ rất chú ý và điều này sẽ giúp họ tự tạo việc làm. Song song đó, có nhiều điểm tích cực giúp cho việc làm của người lao động tốt hơn khi cơ quan nhà nước đang cải tổ, tạo điều kiện nhiều hơn để thu hút người trẻ", ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Bài và ảnh: Lê Nghỉa