07:22 19/07/2012

Doanh nghiệp cần tận dụng ưu thế của thương mại điện tử

Đón bắt xu thế tất yếu của thương mại quốc tế trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, nước ta đã có nhiều chính sách và giải pháp để phát triển thương mại điện tử.

Đón bắt xu thế tất yếu của thương mại quốc tế trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, nước ta đã có nhiều chính sách và giải pháp để phát triển thương mại điện tử. Để hiểu rõ hơn sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam những năm qua, đặc biệt là sự lan tỏa của thương mại điện tử tới các đối tượng doanh nghiệp và người tiêu dùng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

Ngày càng nhiều người sử dụng giao dịch thương mại điện tử để mua hàng. Ảnh: CTV

 

´Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam những năm qua?


Trong những năm qua, có thể nói thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển khá nhanh và vững chắc. Theo thống kê, có khoảng 58% số người sử dụng Internet tại Việt Nam cho biết họ từng ra một quyết định mua hàng nhờ thông tin từ Internet. Các mô hình và dịch vụ thương mại điện tử hiện nay cũng phát triển đầy đủ so với mặt bằng chung của thế giới, bao gồm các hình thức thanh toán trực tuyến, các sàn giao dịch thương mại điện tử như chodientu.vn hay các website về thương mại điện tử.

 

Việc mua bán qua Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử của tập đoàn eBay đã hoạt động tại Việt Nam vài năm qua, cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng mua hoặc bán lẻ bất kỳ sản phẩm nào ra toàn thế giới. Gần đây nhất là các mô hình mua theo nhóm cũng bắt đầu "bùng nổ" tại Việt Nam. Trong lĩnh vực chuyển phát hàng hóa, Việt Nam cũng có nhiều mô hình phối hợp giữa các công ty thương mại điện tử với các hãng vận chuyển để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng sâu rộng thương mại điện tử của người dân và doanh nghiệp vẫn dưới mức tiềm năng.

 

Theo báo cáo, có đến 3,3% tổng lưu lượng bán lẻ của kinh tế Trung Quốc đã được giao dịch qua thương mại điện tử, con số này tại Nhật Bản là 5,2%, ở Mỹ là 4,6%, song tại Việt Nam tỷ trọng này còn thấp, chỉ khoảng 0,3%. Đây cũng là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lên mạng để mở rộng thị trường và tiết kiệm chi phí, vì người tiêu dùng cũng đang có xu hướng lên mạng để tìm hiểu thông tin hàng hóa - dịch vụ giá rẻ và tiện lợi nhất.


´Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những ưu thế gì để phát huy hết tiềm năng của thương mại điện tử?


Trong quá trình vận hành thương mại điện tử, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng không ít doanh nghiệp quá chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới và cửa hàng truyền thống tốn kém mà bỏ quên lực lượng khách hàng đầy tiềm năng trên mạng. Thay vì mở các website riêng với chi phí cao, các doanh nghiệp có thể lựa chọn tham gia các sàn giao dịch trực tuyến trung gian với kinh phí thấp hơn, lại có sẵn lực lượng khách hàng đông đảo. Bên cạnh đó, muốn kinh doanh trên mạng hiệu quả, các doanh nghiệp cần chú ý tới yếu tố xây dựng thương hiệu và lòng tin với người tiêu dùng.

 

Theo một số thống kê, có đến 90% số người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng từng cảm thấy không an toàn, 75% khách hàng tham gia mua hàng trên mạng muốn kiểm chứng website bán hàng có dấu hiệu gì đảm bảo hay không, trong khi 50% sau khi đã quyết định mua hàng qua mạng lại dừng ngay ở bước thanh toán chỉ vì họ cảm thấy không yên tâm. Để giải quyết vướng mắc này, các công cụ thanh toán trung gian có thể là lựa chọn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng lừa đảo. Người dùng cũng cần kiểm chứng và thẩm định xem doanh nghiệp bán hàng đó có thực sự tồn tại không, có đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ khách hàng hay không.


´Các chính sách phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cần bổ sung và hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp và người tiêu dùng để đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội?


Nhìn chung, các chính sách hiện nay đối với thương mại điện tử đã được khuyến khích và thông thoáng. Tuy nhiên, từ phía các doanh nghiệp hoạt động trong thương mại điện tử và đại diện cho tiếng nói của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý về thuế có những chính sách ưu đãi hơn cho các giao dịch, bán hàng qua mạng. Từ đó, giá thành mà người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến qua Internet sẽ được rẻ hơn so với hình thức mua sắm truyền thống. Chỉ có vậy mới khuyến khích được người tiêu dùng mua hàng qua mạng nhiều hơn, đồng thời đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội, giúp tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa các giao dịch qua mạng và giúp Nhà nước quản lý dễ dàng hơn.


Trân trọng cảm ơn ông!


Việt Khoa (thực hiện)