03:14 09/03/2011

Doanh nghiệp bán lẻ liên kết để vượt khó

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, lãi suất cao và đặc biệt là chi phí mặt bằng… Làm thế nào để tạo dựng được mạng lưới bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài...

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, lãi suất cao và đặc biệt là chi phí mặt bằng… Làm thế nào để tạo dựng được mạng lưới bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài là câu hỏi lớn đang được đặt ra.

Khó về vốn, mặt bằng...

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (Fivimart) cho biết, điều lo lắng lớn nhất hiện nay của Fivimart là sắp tới các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam ồ ạt và chiếm lĩnh các vị trí trung tâm thì doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh. “Nếu doanh nghiệp trong nước ở gần doanh nghiệp nội thì có thể chia sẻ khách hàng nhưng ở gần các doanh nghiệp nước ngoài thì rất dễ mất thị trường bởi tiềm lực của họ rất mạnh”, bà Hậu nói.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam, nhiều khi doanh nghiệp phải “tự bơi”, Chính phủ cần ưu tiên giải quyết vấn đề đất đai cho doanh nghiệp như cho thuê dài hạn, giá ưu đãi để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất cho ngành bán lẻ còn rất hạn chế, từ kho chứa cho đến cửa hàng còn rất nhỏ bé. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hạn chế, sức cạnh tranh quá yếu nên đầu tư cho cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn.

Vấn đề tài chính và nguồn nhân lực là hai vấn đề lớn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Để có thể tháo gỡ những khó khăn này, theo ông Minh, cần có chính sách hỗ trợ trước hết về vốn; vấn đề nữa là cần có quy hoạch, đào tạo bài bản nguồn nhân lực để lãnh đạo doanh nghiệp có kiến thức quản lý và có tầm nhìn.

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp bán lẻ khác, đại diện Hapro xác định cần tập trung vào phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, tuy nhiên gặp khó về đất đai. Đại diện doanh nghiệp này phản ánh, rất khó khăn trong việc xin cấp đất làm trung tâm thương mại nên nhiều khi phải chấp nhận thuê lại các vị trí này từ doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có thuận lợi hơn khi xin đất ở các tỉnh để xây dựng trung tâm thương mại.

Liên kết để vượt qua

Theo các chuyên gia, liên doanh, liên kết trong tình hình hiện nay rất cần thiết, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà với cả doanh nghiệp lớn. Ông Huỳnh Văn Minh cho rằng: Cần có sự liên doanh cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng trước mắt cần liên kết với doanh nghiệp trong nước, khuyến khích mô hình cổ phần, góp vốn cùng đầu tư, quản lý. Đây là một mô hình rất hay và cần được khuyến khích phát huy.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thái cũng cho rằng: Chúng ta nên đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. “Trong lúc này, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn cần liên kết với doanh nghiệp Việt Nam, và theo tôi nghĩ liên kết mà giữ vốn 51% là an toàn, nếu cao hơn thì càng tốt. Liên doanh mà Việt Nam vẫn giữ phần chủ đạo thì nên khuyến khích”, Tổng giám đốc Đoàn chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, giám đốc Hệ thống siêu thị Vinatex, trong quá trình kinh doanh, sự hợp tác của các doanh nghiệp trong nước hiện còn thiếu yếu tố bền vững. Vinatex cũng đang hợp tác với Intimex, Fivimart, Hapro... là những siêu thị tổng hợp lớn, trong đó Vinatex hợp tác khai thác mảng thời trang. Tuy nhiên, trong hệ thống này, tỷ lệ đóng cửa chiếm 50% bởi địa điểm của các đối tác này có vấn đề, hoặc phải chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác có hiệu quả hơn...

Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho rằng các doanh nghiệp trong nước hợp tác lại được với nhau có thể khiến doanh nghiệp nước ngoài thay đổi chính sách kinh doanh, tạo lập vị thế trong hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất trong nước và giữ được thị trường.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Bộ Công Thương sẽ giao cho các đơn vị chuyên trách xây dựng văn bản pháp luật và chính sách phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ; nghiên cứu xây dựng chính sách cho phép các doanh nghiệp liên doanh với điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% số vốn điều lệ trở lên; nghiên cứu về chính sách phát triển hệ thống logistic; nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hưởng ứng thực hiện Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chú ý đào tạo đội ngũ quản lý kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để xây dựng quỹ đất cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; phối hợp cùng Tòa án nhân dân tối cao trong các vụ án về thương mại, xử lý nghiêm khắc các trường hợp phá vỡ hợp đồng, thao túng thị trường; giao cơ quan quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.

Đỗ Huyền