03:19 03/03/2017

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Chiều 3/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tài chính về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016".

Báo cáo của Bộ Tài chính về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016" cho thấy kết quả thiết thực trong cải cách hành chính của Bộ được thể hiện rõ qua việc cải thiện nhanh vị trí xếp hạng cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong các năm qua (Par Index năm 2013 xếp thứ 4, năm 2014, 2015 xếp thứ 2).

Theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh - Doing Business năm 2017 được World Bank công bố tháng 10/2016, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang điểm 100.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, so với bảng xếp hạng của năm trước (công bố cho năm 2015), thứ hạng của Việt Nam tăng 9 bậc nhờ sự đóng góp của lĩnh vực tài chính, nhất là việc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính mà trọng tâm là thuế và hải quan. Điều này đã góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực thuế, thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã giảm nhanh, trong năm 2013 là 537 giờ thì đến năm 2015 chỉ còn 117 giờ.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá mô hình tổ chức Bộ Tài chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương, quan điểm đúng, bước đi thích hợp với trình độ, điều kiện quản lý của Chính phủ, đảm bảo hoạt động có hiệu quả hơn và góp phần tích cực vào việc khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là trong hoạch định thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển chung và phát triển các ngành, lĩnh vực.

Thực hiện cải cách hành chính, Bộ Tài chính có điều kiện xử lý đồng bộ các vấn đề về chính sách cũng như liên kết các khâu trong quá trình tổ chức thực hiện như gắn công tác tổ chức thu thuế xuất nhập khẩu với việc tập trung kịp thời các nguồn thu để đảm bảo nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước...

Việc tổ chức, vận hành mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực cũng tạo điều kiện rèn luyện kỹ năng tổ chức quản lý, điều hành, nhất là đối với các cấp lãnh đạo; nâng cao năng lực phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường khả năng ứng phó với các thay đổi trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động...

Thành viên Đoàn giám sát Bùi Văn Xuyền đề nghị Bộ Tài chính cho biết đã ban hành bao nhiêu văn bản để cụ thể hóa chủ trương cải cách bộ máy hành chính của ngành.

Qua triển khai, Bộ đánh giá các văn bản của trung ương ban hành đã phù hợp với cơ cấu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực hay chưa, có những bất cập gì cần khắc phục để cải cách tổ chức bộ máy hành chính hiệu quả. Báo cáo cũng nêu tính đến năm 2016 đã giảm 1.499 đầu mối các đơn vị so với năm 2011, ông Xuyền đề nghị cần nêu rõ đó là những đầu mối nào...

Bộ Tài chính kiến nghị sớm ban hành bộ tiêu chí quy định về điều kiện thành lập, giải thể tổ chức hành chính; trong đó có những tiêu chí quy định cứng về số lượng biên chế, vị trí việc làm nhất định để thành lập mới đơn vị. Tiếp tục định hướng tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ theo mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực; hạn chế sự chồng chéo...

Kết luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo công phu, có chất lượng, phản ánh được các nội dung theo đúng đề cương yêu cầu báo cáo của Đoàn giám sát. Về số liệu bảng biểu tương đối đầy đủ nhưng qua ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính bổ sung, cập nhật thêm cả về số liệu và biểu mẫu theo đúng yêu cầu.

Với 116 văn bản được ban hành và 3 văn bản dự kiến ban hành cho thấy việc ban hành văn bản để thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tương đối hoàn chỉnh và toàn diện.

Tuy nhiên Báo cáo mới chỉ thống kê số lượng văn bản mà chưa nêu rõ chủ trương cải cách hành chính về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ như thế nào, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ phân cấu thành tổ chức bên trong của Bộ với địa phương ra sao, tư tưởng cải cách tổ chức bộ máy của Bộ theo hình thức đa ngành, đa lĩnh vực cần được bổ sung và phân tích đánh giá thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Về việc ban hành văn bản vẫn còn tình trạng chậm trong việc ban hành nghị định quy định chi tiết về chức năng, quyền hạn cơ cấu của Bộ, đề nghị sớm hoàn chỉnh để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính...

Quỳnh Hoa (TTXVN)