02:11 24/02/2016

Đô đốc Mỹ: Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ ở Đông Á

Trung Quốc đang làm thay đổi "bức tranh" (hiện trạng) Biển Đông thông qua việc triển khai các hệ thống tên lửa và radar, nhằm thống trị Đông Á bằng biện pháp quân sự.

Đảo Phú Lâm của Việt Nam chụp từ vệ tinh.

Ảnh vệ tinh mới nhất vừa được công bố ngày 22/2 cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hành động này của Trung Quốc có nguy cơ làm tăng đáng kể khả năng kiểm soát Biển Đông của Bắc Kinh.

Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên được trung tâm nghiên cứu của Mỹ này công bố cho thấy một cơ sở có “dáng dấp” của một hệ thống radar cao tần, cùng với một ngọn hải đăng, một lô cốt ngầm, một bãi đáp trực thăng và một số thiết bị thông tin liên lạc khác.

Ảnh chụp các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng gần đấy như Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma cũng cho thấy một số công trình đang được xây dựng, mà CSIS dự đoán là tháp radar, ụ pháo, lô cốt, bãi đáp trực thăng và bến cảng.

CSIS nhận định: “Việc bố trí một đài radar cao tần trên Đá Châu Viên sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía Bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác”.

Cơ quan tham vấn này cho rằng việc triển khai tên lửa HQ-9 tại Hoàng Sa là một diễn biến “đáng chú ý”, nhưng “không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông”. Ngược lại, “các đài radar mới được bố trí tại vùng quần đảo Trường Sa, có thể thay đổi đáng kể cục diện về phương diện tác chiến”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 23/2 dẫn lời Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương - nói rằng Trung Quốc “đang làm thay đổi "bức tranh" Biển Đông thông qua việc triển khai các hệ thống tên lửa và radar. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị Đông Á bằng biện pháp quân sự. Ông Harris khẳng định: “Bắc Kinh rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông".

Đô đốc Harry Harris.

Ngay sau phát biểu của ông Harris, các nguồn tin của chính phủ Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc mới đây đã triển khai các chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh điều động chiến đấu cơ tới đây, song động thái này cũng làm dấy lên những câu hỏi mới về ý định của họ. Gregory Poling - Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS - nói: “Câu hỏi đặt ra là liệu các chiến đấu cơ này có lưu lại đó lần này hay không”.

Phát biểu tại một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry diễn ra ở Thủ đô Washington của Mỹ, ông Harris nói rằng Trung Quốc đang làm leo thang tình hình tại Biển Đông với các cuộc triển khai mới này. Khi được hỏi về mục đích của Trung Quốc, ông Harris nói: “Tôi tin rằng Trung Quốc đang tìm kiếm quyền bá chủ ở Đông Á”.

Theo ông Harris, các hệ thống tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc có thể là mối đe dọa đối với các tàu sân bay của Mỹ, nhưng ông nói thêm rằng các tàu của Mỹ rất linh hoạt và rằng Mỹ “có khả năng làm những gì cần thiết nếu đối mặt với tình huống đó”.

Ông Harris cũng cho biết ông ủng hộ hoạt động tuần tra trên biển và trên không theo thường lệ để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông - tuyến đường thủy quan trọng trung chuyển lượng hàng hóa lên tới 5.000 tỷ USD/năm.

Tại cuộc họp báo với ông Kerry, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng hiện không có vấn đề nào cản trở tự do hàng hải, và Trung Quốc cùng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một vài trong số đó có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc - “có khả năng duy trì ổn định trên Biển Đông”.

Ông Vương Nghị cho rằng việc quân sự hóa không phải là trách nhiệm của một bên duy nhất. Ám chỉ đến các cuộc tuần tra của Mỹ, ông Vương Nghị nói: “Chúng tôi không mong muốn sẽ chứng kiến thêm các cuộc do thám quân sự gần Trung Quốc, hoặc điều động các tên lửa hủy diệt hoặc các máy bay ném bom chiến lược đến Biển Đông”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry nói rằng các động thái của Trung Quốc và các nước khác đã tạo ra “chu trình leo thang”. Ông nhấn mạnh: “Điều chúng ta đang cố gắng làm là phá vỡ chu trình đó. Đáng tiếc rằng hiện có các tên lửa, chiến đấu cơ, súng ống và các vật thể khác được đặt trên Biển Đông và điều này gây quan ngại lớn cho những ai quá cảnh và sử dụng Biển Đông vì mục đích thương mại hòa bình”.

Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Bắc Kinh triển khai quân sự ở Biển Đông không khác gì việc Mỹ triển khai ở Hawaii. Tuy nhiên, đài TNHK đêm 23/2 đã dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng bác bỏ ý kiến này của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo hôm 22/2, ông Josh Earnest nói: “Không nước nào khác có tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii, nhưng khi nói tới các thực thể đất đai ở Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Washington hy vọng căng thẳng ở Biển Đông sẽ giảm bớt nếu các bên tranh chấp đưa ra những cam kết giống như cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California hồi tuần trước.

TTXVN/Tin Tức