12:00 24/12/2011

Đồ cũ: Từ chợ đến hội

Trong thời buổi lạm phát, người tiêu dùng buộc phải tự xoay sở thắt chặt chi tiêu bằng nhiều cách. Trong đó xu hướng mua bán, trao đổi đồ cũ cho nhau đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Bởi thế, đồ cũ có cơ hội được bán chạy từ phố, chợ đến cả hội.

Trong thời buổi lạm phát, người tiêu dùng buộc phải tự xoay sở thắt chặt chi tiêu bằng nhiều cách. Trong đó xu hướng mua bán, trao đổi đồ cũ cho nhau đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Bởi thế, đồ cũ có cơ hội được bán chạy từ phố, chợ đến cả hội.

Từ phố chợ

Tại một cửa hàng quần áo ở làng Quỳnh Đô, gần chợ Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, một đống áo phao được đổ ra. Xung quanh, khá nhiều người đang lựa chọn cho mình chiếc áo chống chọi với mùa đông lạnh giá. Người bán hàng cho biết đây là hàng may xuất khẩu bị lỗi hoặc những quần áo lỗi mốt từ các năm trước còn tồn lại. Vì thế giá áo khá rẻ, chỉ khoảng 200.000 đồng là có thể sở hữu một chiếc áo dày dặn. Trong khi cùng chiếc áo đó nếu còn mới sẽ có giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng.

Các bạn trẻ đang phân loại đồ chuẩn bị cho ngày hội trao đổi đồ cũ lần thứ 8 sắp được tổ chức.


Em Nguyễn Diệu Mơ, một khách hàng trẻ tuổi hồ hởi cho biết: “Em thấy hàng ở đây vẫn còn tốt lắm! Thỉnh thoảng em cũng chọn được một vài món đồ ưng ý. Em đã chọn được một chiếc áo khoác mỏng, mang về giặt sạch rồi kết hợp với quần áo sẵn có của mình thì cũng được một bộ đồ cá tính”.

Không chỉ người dân nông thôn chọn đồ cũ mà một bộ phận người dân thành phố cũng dần quen với thói quen mua sắm tiết kiệm này. Đường Xã Đàn, Đông Tác, Hoàng Tích Trí (Hà Nội) trở thành phố chuyên buôn bán hàng “second hand”, hay còn gọi là hàng thùng, hàng cũ đã qua sử dụng. Đồ ở đây khá đa dạng, từ quần áo ngủ, đồ thể thao, đồ công sở, giày dép...

Các mặt hàng này được nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Sau đó, chủ hàng giặt tẩy sạch, là ủi phẳng phiu rồi phân loại bày bán. Vì thế hàng thùng thoạt nhìn không khác nhiều so với hàng mới. Trong một cửa hàng trên đường Xã Đàn, quần áo “second hand” được bày bán khá ngăn nắp. Khách hàng tên Dương đang kiếm cho mình một chiếc áo sơ mi để mặc đi làm. Anh cho biết: Áo sơ mi cũ ở đây chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng và nếu chọn lựa kĩ có thể kiếm được những chiếc áo khá mới. “Với sinh viên như tôi thì hàng hiệu là một điều xa xỉ. Tôi chọn những chiếc áo này vì nó phù hợp với túi tiền sinh viên”, Dương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng Hậu, số 42 Xã Đàn: Khách hàng quen thuộc của các cửa hàng đồ cũ khu vực Kim Liên chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp. Giá cả các mặt hàng quần áo, giày dép dao động từ 70.000 -200.000 đồng, được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Các mặt hàng “second hand” không chỉ thu hút khách hàng bởi giá rẻ mà còn vì mẫu mã đa dạng và chất lượng không đến nỗi nào. Chị Phạm Thị Tân, nhân viên văn phòng, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói: “Tôi thấy quần áo ở đây hợp túi tiền, mẫu mã cũng đa dạng. Thỉnh thoảng, tôi chọn một vài chiếc để mặc cho nó lạ. Đồ mùa đông giặt không bị phai mà tiền lại rẻ hơn”.

Giống như tại các chợ và shop thời trang, mặt hàng “second hand” cũng có sự thay đổi theo mùa để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Mùa hè có quần áo mùa hè, mùa đông có quần áo đông. “Mùa đông năm nay quần jeans màu xám và đen, áo giả da và áo phao được dân chúng ưa chuộng nhất”, bà Hiền cho biết.

Đến ngày hội trao đổi đồ cũ

Cũng với mục tiêu tiết kiệm chi phí trong khi giá cả tăng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ngày hội đổi đồ cũ Mottainai có xuất xứ từ Nhật Bản đã đến Việt Nam từ năm 2008. Trong tiếng Nhật, “Mottainai” có nghĩa là “Tiếc quá!” hay “Thật lãng phí!”. Tại ngày hội, người tham gia đem theo những vật phẩm cũ như quần áo, giày dép, sách vở, đồ chơi, đồ lưu niệm mà vẫn hữu dụng tới trưng bày tại các gian hàng và trao đổi đồ với nhau. Khi mang đồ đến, bạn sẽ nhận được phiếu đổi đồ tương đương với giá trị đồ vật mà bạn mang đến, và với phiếu đổi đồ đó bạn có thể đổi lấy một hoặc nhiều đồ vật khác mà bạn thích. Chị Bùi Kim Chi, người đã tham gia chương trình Mottainai năm 2010 rất thích những ngày hội mang tính chất tiết kiệm như vậy. Chị tâm sự: "Cũ người, mới ta. Mọi thứ đều được tận dụng, ai đổi được món đồ nào cũng đều rất thích thú và hào hứng”.

Không chỉ “hút” giới học sinh, sinh viên bởi tính năng động, đơn giản, lễ hội Mottainai còn thu hút nhiều bậc phụ huynh, thậm chí các bác cao tuổi. Bác Nguyễn Đăng Tạo, năm nay hơn 60 tuổi nhưng đã hai lần tham gia lễ hội Mottainai cho biết: “Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa. Nhà tôi có một số đồ dùng cũ, tôi đã mang đổi lấy sách vở cho mấy đứa cháu nội”.

Ngày hội Mottainai đã diễn ra 6 lần ở Hà Nội và 1 lần ở Hội An. Ngày hội lần thứ 8 sẽ diễn ra vào 25/12/2011 tại Gò Đống Đa, hứa hẹn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ vì rơi vào đúng dịp Giáng Sinh. Bạn Bùi Huyền Anh, chủ nhiệm CLB 3R, đơn vị tổ chức chương trình cho biết: “Tôi hi vọng chương trình Mottainai sẽ được tổ chức thường xuyên để giáo dục ý thức tiết kiệm cho giới trẻ”.

Nam Hoàng