03:09 11/03/2011

DN phần mềm chạm mốc 1 tỷ USD

Tại Hội nghị nhiệm vụ triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông do Bộ Thông tin - Truyền thông” tổ chức ngày 10/3 ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trăn trở...

Tại Hội nghị nhiệm vụ triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông do Bộ Thông tin - Truyền thông” tổ chức ngày 10/3 ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trăn trở: Bên cạnh sự gắng sức, doanh nghiệp cần có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước.

Khốc liệt nên “ra tay” kịp thời

Nhìn nhận công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10%.

Đề án đã chỉ ra 6 nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới là: Phát triển nguồn nhân lực CNTT; công nghiệp CNTT; tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình; ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới.

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến các trường học, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư... Các mục tiêu này là hoàn toàn khả thi vì hiện nay, 60 - 70% các xã, tỉnh đồng bằng đã có cáp quang; miền núi là 40%.

Phòng xây dựng phần mềm của một doanh nghiệp đang hoạt động tại Công viên phần mềm Đà Nẵng. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN


Theo VNPT, với những mục tiêu khả thi, doanh nghiệp phấn khởi thực hiện. Nhưng do ngành viễn thông luôn “nóng”, các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt nên cơ quan quản lý cần ban hành chính sách kịp thời, đặc biệt trong vấn đề khuyến mại; cước kết nối cũng ảnh hưởng tới hạ tầng; vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng (đơn cử là việc sử dụng chung cột điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và VNPT - vụ việc đã kéo dài mấy năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được); khó khăn khi xây dựng trạm phát sóng do người dân không đồng ý...

Theo TS. Trần Lương Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Việt (VietSoftware): Trong 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh ngành CNTT. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận: Phần lớn các văn bản đã không đi vào thực tế cuộc sống, trong đó có cả những văn bản đã kìm hãm sự phát triển của ngành. Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu quan tâm đầu tư xây dựng các văn bản pháp luật, thể hiện ở chỗ: Mức kinh phí hạn chế; cơ chế xây dựng văn bản pháp luật lạc hậu.

Đại diện VietSoftware đã đề xuất thành lập Ủy ban Đặc biệt về Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, có sứ mệnh và chức năng định hướng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới lĩnh vực CNTT; thành lập Hội đồng tư vấn giúp đóng góp ý kiến, chương trình, kế hoạch cho Ủy ban Đặc biệt.

Liên quan tới dịch vụ nội dung số, đại diện VTC và VinaGame đều kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định về quản lý trò chơi trực tuyến.

Liên quan tới sự phát triển của ngành sản xuất phần cứng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) Nguyễn Phước Hải đã kiến nghị với Chính phủ rà soát và chỉ đạo các bất cập về vấn đề thuế linh kiện cho sản xuất cao hơn thuế máy tính nguyên chiếc nhập khẩu. “Cuối năm 2010, Bộ Tài chính đã có bản thảo dự kiến hạ thuế từ 2% xuống 0%. Nhưng nay vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu”, ông Hải nói.

Đại diện VEIA cho rằng cần thúc đẩy mạnh chương trình cung cấp máy tính giá rẻ như một phần của hạ tầng cơ sở của Đề án.

“Tự tin” vì có đà

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp: Đề án trên được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam có 3 thế mạnh: Kết quả phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm qua để tạo đà triển khai; Việt Nam có thị trường lao động rẻ, đông và đam mê công nghệ được xem như cơ hội “vàng”; thế mạnh nhận thức của nhà lãnh đạo.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: Trong năm 2010, doanh thu của lĩnh vực nội dung số đã chạm mốc 1 tỷ USD, bằng doanh thu của lĩnh vực phần mềm. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT - TT của Việt Nam đã đạt 330.000 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD) trong năm 2010, chiếm khoảng 10% GDP của cả nước.

Trong năm 2010, viễn thông tiếp tục là lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất với khoảng 200.000 tỷ đồng, tiếp đến là ngành công nghiệp sản xuất phần cứng đạt khoảng 7 tỷ USD. Lĩnh vực phần mềm và nội dung được ước tính tăng trưởng khoảng 20 - 30%, đạt tổng doanh thu khoảng 2 tỷ USD chia đều cho mỗi lĩnh vực. Như vậy, chỉ sau nửa thập kỷ phát triển với tốc độ trên 50%, nội dung số đã theo kịp phần mềm - lĩnh vực có "thâm niên" hơn chục năm - về doanh thu.

Minh Phương