12:22 15/12/2016

Djokovic và Becker: “Đường ai nấy đi”

Không có được phong độ cao nhất ở mùa giải 2016, cựu số 1 thế giới Novak Djokovic quyết định thay HLV như cái cách mà Andy Murray chia tay Mauresmo, Milos Raonic từ giã Carlos Moya sau mùa giải. Sự chung thủy hay niềm tin dài lâu đang trở thành “của hiếm” trong làng quần vợt thế giới.

“Rơi tự do”

Tháng 12, tay vợt số 2 thế giới Novak Djokovic (Serbia) chính thức chia tay với HLV Boris Becker. Cuộc chia tay cuối mùa giải diễn ra ngay sau loạt “thay thầy” của Andy Murray và Milos Raonic. Có lẽ, trong làng quần vợt, chỉ còn Nadal là mãi “chung thủy” với người chú và cũng là người thầy duy nhất trong sự nghiệp của mình - ông Toni Nadal.

Becker trở thành HLV của tay vợt người Serbia từ tháng 12/2013. Kể từ đó, Djokovic giành thêm được 6 giải Grand Slam bao gồm cả 4 giải đấu chính. Tuy nhiên, nửa sau mùa giải 2016 bị coi là điểm rơi tự do của Djokovic. Tay vợt này mau chóng bị loại khỏi Wimbledon ở vòng 3 trước tay vợt hạng 31 Sam Querrey, thua “sốc” trước Juan Martin del Potrongay vòng 1 Olympic Rio, thua tức tưởi ở chung kết Mỹ mở rộng trước Stan Wawrinka. Sự suy sụp của Nole càng khó chấp nhận khi Murray, người một thời còn rất xa mới ngang bằng với tay vợt Serbia ngày một lên tay và đoạt khá nhiều danh hiệu trong mùa giải, nhờ thế tiếm ngôi vị số 1 của anh trên bảng xếp hạng ATP.

Djokovic và Becker đã quyết định chia tay sau 3 năm gắn bó. Ảnh: AFP

Không quá chênh lệch về điểm số giữa tay vợt số 1 và số 2 ở thời điểm này, cộng với cá tính ít chịu khuất phục của Djokovic, mùa giải 2017 hứa hẹn là cuộc cạnh tranh hấp dẫn của cả hai ở thời điểm mà những cái tên như Roger Federer hay Rafael Nadal gắn liền với chấn thương và sự sụt giảm phong độ.

"Sau nhiều năm thi đấu thành công, HLV Boris Becker và tôi cùng đi đến quyết định chấm dứt hợp tác. Mục tiêu mà chúng tôi cùng đặt ra khi bắt đầu làm việc chung đã hoàn tất. Tôi luôn biết ơn ông vì sự gắn kết, cống hiến, hợp tác và hòa đồng với nhóm cộng sự. Hiểu theo một cách khác từ những thành quả mà tôi có được hiện nay, tôi sẽ phát triển sự nghiệp hơn nữa, có những mục tiêu mới và cả kế hoạch hợp lý cho mùa giải sau. Đây cũng là cơ hội để tôi ra những quyết định mới cho tương lai”, Djokovic chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Theo lời của Djokovic thì cả hai chia tay trong sự đồng thuận sau khi ông thầy người Đức giúp Djokovic kéo dài thời gian ngự trị ở ngôi vị số 1 thế giới suốt 223 tuần.

Thầy chê ngược Novak Djokovic

Nói về Boris Becker, phải nhắc lại một chút về những thành tích mà ông giành được ở giai đoạn còn thi đấu, từ những năm 1985 - 1996. Tay vợt người Đức từng lên ngôi số 1 thế giới năm 1991, 6 lần giành vô địch đánh đơn Grand Slam, 1 HCV Olympic và là VĐV trẻ nhất vô địch đơn nam Wimbledon ở tuổi 17. Những gì mà tay vợt lão luyện từng bất khả chiến bại này nhận xét thực sự đáng lưu tâm.

Trong mắt của ông thầy khó tính ngồi trên khu vực dành cho Djokovic thì “sở dĩ Novak Djokovic tuột mất vị trí số 1 là do anh không đủ chăm chỉ khi tập luyện”. Theo ông, kể từ khi sưu tập đủ bộ 4 Grand Slam sau khi vô địch Pháp mở rộng hồi tháng 6, tay vợt từng 12 lần vô địch Grand Slam bắt đầu giảm cường độ tập luyện. Mọi chuyện không thể khác được nếu Djokovic không thực sự có động lực để tiến lên phong độ tốt nhất.

Rõ ràng ở nửa sau mùa giải, Djokovic xuống phong độ thấy rõ so với nửa đầu mùa cứ chơi là thắng. Trong khi đó, Andy Murray bật lên cũng ở nửa sau năm 2016 này. Anh giành 8 trong số 9 giải đấu tham gia, tự tin bước lên ngôi vị số 1 thế giới bằng chiến thắng trước chính Djokovic trong trận chung kết ATP World Tour 2016. Chưa nói về các chức vô địch nhưng việc học trò của mình để cho đối thủ san bằng khoảng cách 8.000 điểm là điều không thể tin nổi với một người thầy.

Còn chưa hết những lo lắng, Becker đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Sky Sport về Djokovic: “Anh ấy có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một cậu con trai kháu khỉnh. Điều đó có lẽ cuốn anh trở thành người đàn ông của gia đình. Nhưng thể thao chuyên nghiệp là thế, bạn phải trở thành người ích kỷ nhất. Giờ Djokovic và quần vợt không còn đủ thời gian dành cho nhau nữa. 20 năm trước, tôi đã từng phải hy sinh để trở thành “một con quái vật” trong mắt người thân để trở thành một tay vợt trong mắt mọi người”.

Mùa giải mới 2017 sẽ bắt đầu trở lại cùng Australia mở rộng vào tháng 1/2017. Đó sẽ là câu trả lời cho sự lựa chọn của Djokovic trở thành quái vật trong gia đình và tượng đài trong quần vợt hay là một hướng nào khác khi đang ở sát ngưỡng một huyền thoại làng banh nỉ. Và Murray sẽ ở đó để khiến cho sự lựa chọn của anh thêm thử thách, thêm khó khăn.

Những danh hiệu Djokovic có thêm cùng Becker: 

* 6 giải Grand Slam bao gồm Wimbledon 2014, Australia mở rộng 2015, Wimbledon 2015, Mỹ mở rộng 2015, Australia mở rộng 2016, Pháp mở rộng 2016 

* 6 giải tour năm 2014 bao gồm ngôi vô địch World Tour Finals l8 giải tour năm 2015 bao gồm ngôi vô địch World Tour Finals.

* 5 giải tour năm 2016


Minh Tuệ