01:21 09/01/2016

Đinh Ngọc Diệp dấn thân về thơ biển đảo

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến hiện tại, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp luôn gắn bó với vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Có lẽ vì vậy mà những vần thơ của ông đều mang hơi hướng của cái mặn mòi, phóng khoáng, lãng mạn nhưng cũng rất dữ dội của biển, đảo.

Ông cũng đã mang đến hàng trăm bài thơ viết về biển đảo như "Tổ quốc ở Trường Sa", "Biển xanh - cánh buồm", "Bến cá chiều"… Với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đánh giá là một trong những nhà thơ viết nhiều và viết hay nhất về biển đảo của tỉnh Thanh Hóa.

Đinh Ngọc Diệp tiếp chúng tôi trong một căn nhà rộng chừng 50 m2, đồng thời cũng là quán bán hàng độ nhật "nuôi thơ" như ông thường nói vui với bạn bè và cũng chính trong ngôi nhà nhỏ này đã ra đời những vần thơ bất tận về biển đảo của ông. Những năm tháng tuổi thơ ông gắn bó bên bờ biển nên biển, đảo đã trở thành một hình tượng lớn trong của ông.

Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (bên phải) đàm đạo cùng bạn thơ.

Với ông, thơ hay phải gắn với cuộc sống mà biển chính là cuộc sống của ông và ngư dân. Biển Sầm Sơn có nét rất riêng, không lẫn vào đâu được bởi có bờ cát dài thoai thoải, trắng phau; có sơn thủy hữu tình; có nhiều di tích văn hóa, lịch sử nên đã gợi cho Đinh Ngọc Diệp cảm hứng bất tận về đề tài biển đảo: Ngự trên núi, nghe làng ru sóng/ Trống Mái gối lên mây trắng ngủ lưng trời/ Mây dưới núi bồng bềnh hay nón trắng/ Nón mẹ già gánh cá đem phơi/ Mẹ biết chăng chuyện tình xưa ấy/ Đá vẫn tương tư hoài niệm kiếp người... (Trống Mái).

Với Đinh Ngọc Diệp, biển cũng là người mẹ hiền bởi biển đã sinh ra nhân cách, tâm hồn của con người. Thơ Đinh Ngọc Diệp luôn nổi lên tình yêu thương, kính trọng những người giữ biển đảo của Tổ quốc, từ ngư dân đến những chiến sỹ lực lượng vũ trang: Trên bản đồ như nắm tấm vung xa/ Quần đảo Trường Sa - chuỗi hạt ngoài xa tít/ Lính giữ đảo: giữa đất đai Tổ quốc/ Đảo nơi quê: mình mẹ ngóng chờ/ Ai theo đội Hoàng Sa ra đảo/ Đảo gặp người thôi kiếp cơm rơi/ Nay mẹ vẫn yêu con bằng gạo mới/ Đảo long lanh kết ngọc ở chân trời (Tổ quốc ở Trường Sa).

Khi được hỏi về việc cả cuộc đời ông gần như gắn bó với biển, đi mấy bước chân là tới biển và luôn có biển bên mình thì khi viết về biển có bị sự trùng lặp và bị đi theo một lối mòn không, Đinh Ngọc Diệp cho biết: “Thơ tôi gắn với đời, với biển, nhưng trước hết thơ phải có ý tưởng, bởi làm thơ mà không có ý tưởng thì viết về biển cũng không hay bằng viết về một cái ao mà có ý tưởng”. Hơn nữa, thơ gắn với đời mà cuộc đời luôn biến động, biển cũng luôn biến động, biển lúc nắng khác, lúc dông khác, biển lúc được mùa, lúc mất mùa tôm cá cũng khác nhau do tâm trạng của con người chi phối… nên ông đã mượn biển để nói về mọi mặt của cuộc sống như bài thơ “Bến cá chiều”.

Ngay cả khi ông không viết thơ về biển nhưng vẫn bị ám ảnh bởi mùi mặn mòi, cái cảm giác chênh chao, phóng khoáng của biển, bởi biển tác động mãnh liệt vào con người ông: Đó là khi đi dự trại sáng tác trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cảnh vật, con người nơi đây thật thơ mộng, nhưng góc nhìn của ông không tách rời với hồn biển quê mình: Ồ! Thác Bạc nối trắng trời xuống lũng/ Lũng về đâu? - Mang nước tưới đồng bằng/ Màu Thác Bạc ngỡ tuột vào họng tối/ Lại ngời ngời nơi ngọn sóng triều dâng (Thác Bạc). Hay cái cảm khái lên miền cao của Xứ Thanh, bắt gặp một "giọt mắt" giao cảm với người con gái lạ lại "mang mang" hồn biển, tạo nên sức hút khó cưỡng cho thơ: Mang mang tia mắt như giọt bể/ Trôi cả buồm xa lẫn cánh chim... (Hồi ức sông Luồng).

Nhà thơ Phạm Khang, Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa nhận xét: “Đinh Ngọc Diệp là một trong số ít các nhà thơ đương đại có nhiều tuyên ngôn về thơ. Dễ nhận ra thơ về biển của Đinh Ngọc Diệp là biển đa đời sống, đa cung bậc, đa đoan như phận người gió bụi. Ấy là thứ biển không bao giờ chết, mãnh liệt và dữ dội, không đầu hàng, đồng thời biển dịu dàng như thể không thể dịu dàng hơn được nữa”.

Khi nghiệp thơ đã ăn vào con người, tâm hồn, cốt cách của Đinh Ngọc Diệp và viết về thơ là sự dấn thân, sự hi sinh và ông cũng hiểu hơn ai hết về những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của ngư dân để đổi lấy miếng cơm, manh áo. Thực tế này càng thôi thúc ông viết nhiều, nhiều hơn nữa về biển đảo, về cuộc sống của những con người vươn khơi bám biển. Trong thời gian tới, Đinh Ngọc Diệp sẽ có riêng tập thơ về biển đảo thể hiện lòng khát khao với biển, ý chí, lòng yêu nước của một người con của biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng