11:17 18/11/2019

Định hướng phát triển hệ thống nông sản hiện đại

Để giải quyết bài toán phân phối, tiêu thụ cho nông sản Việt  Nam, phải xây dựng được hệ thống, mạng lưới các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển của ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo xây dựng định hướng, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống Trung tâm nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18/11.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bất cập trong chuỗi giá trị nông sản

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Chính phủ cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trong gần 10 năm qua đã giúp mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đạt được những kết quả đáng kể, một số chuỗi sản xuất lớn bước đầu được hình thành.

Về thị trường, nhu cầu tiêu thụ nội địa đang tăng trưởng nhanh, trong khi thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Cùng với sự phát triển của sản xuất, hệ thống phân phối nông sản cũng có nhiều thay đổi tích cực phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đều đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi nông sản.

Tuy nhiên, nút thắt trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam hiện nay chính là khâu phân phối bởi hầu hết các mô hình sản xuất liên kết còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, nên thường phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, “được mùa - mất giá”, nông sản được tiêu thụ không ổn định.

Hơn thế nữa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng “Rau hai luống, lợn hai chuồng” làm cho người tiêu dùng trong nước thiếu tin tưởng và việc xuất khẩu thường xuyên gặp khó.

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, khâu phân phối, tiêu thụ nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, mạng lưới chợ đầu mối nông sản và các trung tâm giao dịch hàng hóa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.

Các chợ đầu mối nông sản hiện có mới chỉ tập trung xây dựng gần các khu đô thị lớn, chưa có tính hệ thống và gắn với vùng sản xuất nguyên liệu ở các vùng nông thôn trọng điểm để vừa thúc đẩy sản xuất, góp phần kiểm soát chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm chi phí qua các khâu trung gian, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Dẫn chứng với lúa gạo, hiện nay, có rất nhiều thành phần tham gia vào việc phân phối gạo ở thị trường nội địa, từ nông dân sản xuất lúa, thương lái, nhà máy xay xát chế biến, công ty lương thực, đại lý bán sỉ, bán lẻ, siêu thị… Nhưng trên 90% sản lượng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long được cho thương lái còn đa số các công ty lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ thu mua lúa và gạo nguyên liệu từ thương lái do tính linh hoạt cao, không cần tổ chức kênh vận chuyển, thu gom.

Tương tự, rau và trái cây cũng chủ yếu được thu gom thông qua hệ thống thương lái tư nhân do chưa có các trung tâm thu gom hiện đại. Sản phẩm sau thu hoạch chưa được phân loại, đóng gói, bảo quản theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này khiến tỷ lệ hư hỏng sau vận chuyển cao, chất lượng rau quả giảm và cơ hội tiếp cận thị trường thấp. Trải qua nhiều khâu trung gian giá thành nông sản cao, trong khi giá trị tăng thêm chủ yếu rơi vào hệ thống thương lái và thu gom, người nông dân không được hưởng. Ngoài ra, việc thu gom, vận chuyển, phân phối tự do cũng khiến việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm rau, quả rất khó khăn.

Cung ứng nông sản hiện đại

Xây dựng hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại được coi là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề mà mạng lưới phân phối nông sản hiện tại đang gặp phải. Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện  Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần xây dựng hệ thống cung ứng nông sản hiện đại là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi sản lượng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng tăng nhưng vẫn xuất hiện tình trạng nông sản tồn ứ cục bộ, được mùa mất giá...

Theo đó, hệ thống cung ứng nông sản hiện đại phải kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thương mại nông sản và dịch vụ phát triển. Hệ thống cung ứng nông sản hiện đại sẽ bao gồm: các trung tâm cung ứng nông sản đặt tại các đô thị, thành phố lớn, có nhu cầu tiêu dùng cao; các trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất trọng điểm; các trung tâm cung ứng nông sản đường biên đặt tại các tỉnh biên giới có cửa khẩu quan trọng.

Theo ông Trần Công Thắng, việc xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại không chỉ giúp liên kết sản xuất – phân phối – tiêu thụ nông sản thành chuỗi giá trị liền mạch, ổn định và bền vững mà còn là giải quyết được vấn đề kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản hiệu quả hơn. Chỉ những sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình, đạt chứng nhận về chất lượng mới được gom về các trung tâm thu gom nông sản để đưa đến các tung tâm cung ứng nông sản hiện đại, từ đó có thể phân phối đến các trung tâm xuất khẩu nông sản đường biên, hệ thống chợ và siêu thị.

Trên cơ sở đó, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất, giai đoạn 2020 -2025 triển khai xây dựng thí điểm Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm thu gom thủy sản tại Vũng Tàu, Kiên Giang và Trung tâm cung ứng nông sản đường biên tại Quảng Ninh. Đến giai đoạn 2025 -2030 sẽ triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại ở các địa phương trên cả nước.

Đồng tình với quan điểm cần phải phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại nhưng ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, việc triển khai vào thực tế sẽ gặp không ít khó khăn từ vấn đề kiểm soát chất lượng nông sản và cả nguồn vốn xây dựng. Theo đó, phải xây dựng cơ chế giám sát, phản hồi về chất lượng nông sản vốn là điểm yếu trong tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam do tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy trình chất lượng.

An toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề lớn đối với nhiều nông sản Việt Nam khi tiếp cận thị trường xuất khẩu, và mục tiêu của việc xây dựng các hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là kiểm soát chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cả trong nước và xuất khẩu. Thêm vào đó, chủ trương của Nhà nước hiện nay là thu hút đầu tư tư nhân, trong khi các trung tâm thu gom nông sản không có chức năng kinh doanh sẽ khó có lợi nhuận, vì thế sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại hoạt động hiệu quả, phải gắn liền chức năng đầu mối, phân phối với chức năng dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất. Ngoài ra, thúc đẩy liên kết giữa Trung tâm cung ứng nông sản với các nhà máy chế biến, giúp gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, nâng cao giá trị cho nông sản Việt, đáp ứng xu hướng tiêu dùng, xuất khẩu mới.

Xuân Anh (TTXVN)