08:02 17/08/2019

Định hướng học nghề để dễ có việc làm ngày càng rõ nét

Hai năm trở lại đây, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên định hình rõ việc lựa chọn ngành nghề theo học gắn với việc làm dựa trên lực học và điều kiện hoàn cảnh gia đình.

Xác định rõ ngành học để có việc làm

Em Đỗ Hoàng Sơn (sinh năm 1997), sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội đang theo học chuyên ngành điện lạnh vì đam mê và thấy doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động lĩnh vực này. Sơn từng đỗ vào Học viện kỹ thuật quân sự hệ dân sự nhưng học hơn 1 năm thấy áp lực không phù hợp với khả năng nên đành chuyển trường.

Chú thích ảnh
Em Đỗ Hoàng Sơn luyện tập kỹ năng nghề điện lạnh. 

“Em chọn vào Học viện kỹ thuật quân sự hệ dân sự do định hướng của cha mẹ. Sau hơn 1 năm học, nhận thấy khả năng không phù hợp nên em có đi làm một thời gian tại công ty chuyên về điện tử, điện lạnh và được các kỹ sư của LG hướng dẫn. Sau một thời gian đi làm, từ thực tế công việc, em nhận thấy cần phải nâng cao kỹ năng nghề và được những người đi trước giới thiệu về trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội học chuyên ngành điện lạnh, đặc biệt về điện lạnh công nghiệp vì nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn tại các khu công nghiệp”, Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ.

Khác với nhiều sinh viên khi nhập học do có sự định hướng của bố mẹ, có lẽ do đã đi làm nên Sơn hiểu rất rõ các doanh nghiệp đang cần kỹ năng gì của người lao động. Do đó, ngay từ năm thứ 2, vừa đi học, Sơn vừa đi làm để tự trang trải kinh phí học tập.

Cô Phương Anh, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội cho biết: Sơn là học sinh có tay nghề vững, qua các đợt thi tay nghề của trường em liên tục đạt học bổng 2 học kỳ liên tiếp. Thực tế từ đợt tuyển sinh đầu tháng 8 cho thấy, học sinh chọn ngay các trường cao đẳng thường có định hướng rất rõ về việc lựa chọn nghề nghiệp. “Các câu hỏi tư vấn tuyển sinh ở các khoa luôn gắn với công việc sau này”, cô Phương Anh nhận xét.

Một trường hợp khác, đó là em Nguyễn Quốc Đạt (huyện Xín Mần, Hà Giang) dù mới học xong THCS cũng đã đăng ký nhập học nghề điện tử theo hệ 9+.

Lý do Đạt chọn học nghề luôn là vì nhà có chị học đại học nhưng không xin được việc mà đi làm công nhân. “Em đăng ký học nghề theo hệ song bằng (học nghề kết hợp học bổ túc văn hóa) vì được miễn học phí học nghề. Học xong trung cấp, tùy vào điều kiện công việc em sẽ học liên thông cao đẳng. Qua tìm hiểu của nhiều người, em nhận thấy học xong nghề điện sẽ có việc làm luôn, thu nhập cũng ổn định”, Nguyễn Quốc Đạt chia sẻ.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Bích Thùy dù quê tận Quy Nhơn (Bình Định) thi đạt 23,5 điểm nhưng vẫn quyết tâm ra học tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Thùy cho biết: "Từ thực tế những người học xong đại học ra vẫn không có công việc ổn định, nên em quyết theo học nghề điện tử mà mình đam mê. Em seach mạng lọc những trên trường cao đẳng có tiếng tăm về điện, so sánh review (nhận xét) và những người có kinh nghiệm, sau đó em chọn trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Học đến năm thứ 2, em nhận thấy lựa chọn của mình là có lý".

Những trường hợp đăng ký nhập học ở các trường trung cấp, cao đẳng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho thấy nhiều học sinh đã có xu hướng cân nhắc kỹ việc lựa chọn học nghề gắn với việc làm, gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Năm 2019, có hơn 279.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). “Tỉ lệ này cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực, xu hướng chọn nghề ngày càng định hình rõ nét trong lớp trẻ, gắn liền thực tế học để có việc làm”, ông Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhận định.

Hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Nhìn vào công tác tuyển sinh năm 2019 cho thấy những trường cao đẳng, trung cấp có chất lượng đào tạo tốt; học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đều được tuyển sinh trong năm nay. Đặc biệt những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật năm nay có nhiều học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp thực hiện ký hợp đồng cam kết học sinh ra trường có việc làm ngay từ buổi đầu nhập học. Điều này cho thấy các trường có sự hợp tác với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, chương trình đào tạo gắn chặt với điều kiện làm việc thực tế của doanh nghiệp”.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nếu trước đây công tác tuyển sinh học nghề chỉ đạt 60% kế hoạch đặt ra, thì 2 năm qua tuyển sinh học nghề đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107%. Đến hết tháng 6/2019 tỷ lệ tuyển sinh vượt 15% so với cùng kỳ 2018. Nhiều trường đến nay đã tuyển sinh xong chỉ tiêu và đáng mừng là điểm đầu vào của nhiều trường đạt 14 - 15 điểm.

“Chất lượng, hiệu quả đào tạo có chuyển biến rõ rệt khi gắn với doanh nghiệp. Kết quả tốt nghiệp năm 2018 qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017. Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường cũng được triển khai quyết liệt, hầu hết các trường hiện nay đều tổ chức ký kết với doanh nghiệp và đặt hàng đầu ra. Dự kiến tháng 9/2019, một diễn đàn quy mô quốc gia liên quan đến việc nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam sẽ được tổ chức để tạo sự chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong đào tạo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

XM/Báo Tin tức