06:09 01/06/2014

Định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Là một quốc gia với bờ biển dài trên 3.260 km, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, với gần 3.000 đảo ven bờ, Việt Nam có nguồn tài nguyên đặc biệt về biển, từ tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật đến tài nguyên vị thế.

Là một quốc gia với bờ biển dài trên 3.260 km, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, với gần 3.000 đảo ven bờ, Việt Nam có nguồn tài nguyên đặc biệt về biển, từ tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật đến tài nguyên vị thế. Việc khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách bền vững, hiệu quả, cùng với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam là những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Vì vậy, ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ những quan điểm cơ bản của Nghị quyết này, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Việt Nam có nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế biển. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ 21, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh thế kỷ 21 được thế giới xem là thế kỷ của đại dương. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Mặt khác phải k ết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Nghị quyết cũng đã xác định sát đúng và cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên lĩnh vực kinh tế - xã hội; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2007ngày 30/5/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 137/2007 ngày 21/8/2007 Phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển và một số Quyết định khác có liên quan.

Theo đó, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, toàn dân và đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế biển, ven biển được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển kết hợp phát triển lâm nghiệp. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; tăng nhanh các ngành dịch vụ du lịch.

Kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển; xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng chân ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển. Xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống xói lở trên các đảo thuộc quần đảo; quy hoạch, triển khai xây dựng cụm công nghiệp ven biển. Công tác quản lý Nhà nước về biển và công tác Cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế cảng và du lịch được quan tâm đẩy mạnh. Thiết lập các dự án, công trình nâng cao chất lượng môi trường ven biển, cải thiện môi trường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững...

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam", từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phát động “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” với ý nghĩa là Tuần lễ quốc gia cùng với Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới (8/6). Đây là sự kiện được Bộ tổ chức hàng năm với mục đích nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như tôn vinh giá trị của đại đương đối với sự sống của nhân loại, tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển.

Riêng Tuần lễ Biển và Hảo đảo Việt Nam 2014 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức từ ngày 6-8/6 tại thành phố Hải Phòng, với chủ đề “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh” theo đúng tinh thần chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2013 – 2014 đó là: “ Cùng chung sức, chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”. Dự kiến sẽ có một số các sự kiện quan trọng như Diễn đàn Thương hiệu Biển Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Thương hiệu Biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế”; Lễ ra quân tình nguyện làm sạch môi trường bãi biển; Truyền hình trực tiếp Chương trình mít tinh kỷ niệm ngày Đại Dương Thế giới và Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam. Cũng tại Lễ mít tinh, Ban tổ chức sẽ phát động phong trào Ủng hộ ngư dân bám biển sản xuất, góp phần khẳng định chủ quyền biển và hải đảo của Tổ quốc.


Văn Hào