02:10 22/02/2011

Dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao trí tuệ, tầm vóc cho trẻ

Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi và chiều cao/tuổi) vẫn còn ở mức cao và xu hướng gia tăng tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì ở những đô thị lớn là “gánh nặng kép” đang kìm hãm sự phát triển trí tuệ và tầm vóc của thế hệ trẻ.

Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi và chiều cao/tuổi) vẫn còn ở mức cao và xu hướng gia tăng tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì ở những đô thị lớn là “gánh nặng kép” đang kìm hãm sự phát triển trí tuệ và tầm vóc của thế hệ trẻ. PGS.TS Lê Thị Hợp (ảnh), Viện trưởng Viện Dinh dưỡng trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề tìm giải pháp cải thiện tình trạng này:

Xin bà cho biết về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam hiện nay?

Kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở các tỉnh năm 2010 do Viện Dinh dưỡng phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân của trẻ em đã giảm từ 18,9% năm 2009 xuống 17,5% năm 2010. Tỷ lệ SDD thể thấp còi của trẻ em đã giảm từ 32,9% năm 2009 xuống 29,3% năm 2010.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức cần tập trung giải quyết. Đó là tỷ lệ SDD còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Ở các vùng khó khăn, tỷ lệ trẻ em bị SDD còn ở mức rất cao, trên 30%: Tỷ lệ SDD thể thấp còi ở Tây Nguyên là 35,2%, ở trung du và miền núi phía Bắc là 33,7%; ở Bắc Trung bộ và duyên hải là 31,4%. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng tỷ lệ trẻ em bị thừa cân/béo phì tại các đô thị, thành phố lớn cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Thời gian tới, Viện Dinh dưỡng sẽ triển khai những chương trình gì để cải thiện tình trạng SDD, dần nâng cao tầm vóc người Việt Nam, thưa bà?

Muốn cải thiện chất lượng giống nòi, cải thiện tầm vóc của trẻ em Việt Nam, đòi hỏi ngoài nỗ lực của ngành y tế, phải có sự tham gia tích cực và đồng bộ của rất nhiều ban, ngành và toàn xã hội: Cần có những can thiệp đặc hiệu để giảm SDD thấp còi, các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe trong các trường học (mẫu giáo mầm non và học sinh phổ thông), phát triển nông nghiệp và an toàn thực phẩm, nước sạch và môi trường…

Bữa ăn bán trú ở trường mầm non xã Tống Trân, huyện Phổ Cừ, đơn vị đang làm mô hình điểm thực hiện tốt dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Hiện nay, Viện đã và đang triển khai nhiều nghiên cứu can thiệp bổ sung vi chất dinh dưỡng (kẽm, vitamin A, sắt...) cho phụ nữ mang thai và cho trẻ em. Thời gian tới, Viện Dinh dưỡng sẽ tiếp tục triển khai các nghiên cứu về phát triển chiều cao và giảm SDD thấp còi ở trẻ em.


Riêng trong năm 2011, việc phòng chống SDD trẻ em sẽ tập trung vào các hoạt động: Bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ em, bổ sung viên sắt/viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai. Theo dõi tăng trưởng chiều cao của trẻ em, cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng giàu vi chất và năng lượng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ em ở vùng thiên tai, bão lũ. Xây dựng, phổ biến thực đơn cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong hệ thống trường mầm non...

Viện Dinh dưỡng còn sẽ triển khai những đề tài nghiên cứu đặc hiệu giảm SDD thấp còi, cải thiện thiếu vi chất dinh dưỡng và triển khai các chương trình đặc hiệu đối với các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ SDD cao; tăng cường dinh dưỡng học đường, xây dựng và triển khai đề án (dinh dưỡng học đường - sữa học đường). Bên cạnh đó, Viện sẽ đưa ra những giải pháp kiểm soát thừa cân béo phì trẻ em và người lớn.

Các bậc cha mẹ có vai trò như thế nào trong việc giúp con trẻ phát triển cả về trí lực và thể lực, thưa bà?

Các bậc cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp con trẻ phát triển mọi mặt. Để giảm SDD thể thấp còi thì giải pháp dự phòng và chăm sóc dinh dưỡng sớm là rất quan trọng, đây cũng là giải pháp tốt nhất để cải thiện chất lượng giống nòi và chiều cao của trẻ em Việt Nam.

Chăm sóc dinh dưỡng sớm tức là chăm sóc phụ nữ từ trước khi mang thai, khi có thai và nuôi dưỡng trẻ tốt ngay sau sinh để trẻ không bị SDD. Đối với trẻ em tuổi học đường, tuổi vị thành niên thì chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với rèn luyện thể dục thể thao là những thành tố quan trọng giúp trẻ phát triển cả về thể lực và trí lực.

Những trẻ bị SDD thể thấp còi khi nhỏ vẫn có thể can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng để trẻ phục hồi và tạo tiềm năng để trẻ phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Những trẻ bước vào tuổi vị thành niên có chiều cao "khiêm tốn" hơn các bạn cùng tuổi thì vẫn có cơ hội, vì trẻ còn tiếp tục phát triển chiều cao trong và sau giai đoạn dậy thì. Tác động/can thiệp dinh dưỡng hợp lý kết hợp với luyện tập thể dục thể thao đều đặn là điều rất cần thiết để giúp cho trẻ có thể “đuổi kịp” chiều cao so với các bạn cùng tuổi.

Xin cảm ơn bà!

Phương Liên (thực hiện)