08:11 09/08/2014

Điệu xoan vẫn... chờ

Một chiều hè oi ả, trong ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch vang lên những làn điệu Xoan mượt mà, say sưa của các cô cậu học sinh. Trước thông tin được Nhà nước xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, bà Lịch không giấu được sự vui mừng, dẫu biết vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn phía trước.

Một chiều hè oi ả, trong ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì, Phú Thọ vang lên những làn điệu Xoan mượt mà, say sưa của các cô cậu học sinh bên người thầy. Trước thông tin được Nhà nước xét phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bà Nguyễn Thị Lịch không giấu được sự vui mừng, dẫu biết vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn bạc trước khi chính sách đến được với các nghệ nhân như bà.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (giữa) cùng các đào kép phường xoan An Thái. Ảnh: Huc.edu.vn


Cũng như bao người tâm huyết đang lưu giữ và truyền dạy di sản hát Xoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch xem việc được Nhà nước ghi nhận công sức miệt mài bao nhiêu năm qua là động lực để tiếp tục đưa di sản hát Xoan trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

Sau 12 năm chờ đợi, Nghị định của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ra đời và có hiệu lực từ ngày 7/8/2014. Nghị định là một bước ngoặt trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bà Lịch chia sẻ: "Bao nhiêu năm chúng tôi đã gìn giữ, âm thầm truyền dạy, biểu diễn trong lũy tre làng, không nghĩ là hát Xoan sẽ được thế giới vinh danh, được Nhà nước quan tâm sâu sắc như vậy tới các nghệ nhân. Chúng tôi, những người đã và đang lưu giữ làn điệu Xoan độc đáo của dân tộc cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào."

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, trùm phường Xoan Thét phấn khởi chia sẻ: "Việc này chúng tôi mong lâu lắm rồi. Bây giờ thế hệ như chúng tôi đã sắp gần đất xa trời rồi, nhiều cụ đã qua đời chưa kịp tận hưởng niềm vui này. Di sản hát Xoan do rất nhiều nghệ nhân đã miệt mài gìn giữ nên tôi nghĩ Nhà nước cũng cần có chế độ đãi ngộ, tài trợ kinh phí cho các cụ ít nhiều để các cụ dồn hết tâm trí của mình vào Xoan, để Xoan mãi mãi trường tồn cùng dân tộc."

Theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP, đối tượng xét tặng là những công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

Họ là những chủ thể văn hóa vừa là người sáng tạo, vừa là người trình diễn, truyền dạy. Nhiều nghệ nhân hiện nay làm nghề tự do và hoạt động độc lập trong môi trường văn hóa dân gian nên việc tôn vinh của Nhà nước thực sự là cần thiết và hữu ích. Bên cạnh đó, với nhiều di sản đã được thế giới công nhận, Nghị định cũng khẳng định về chủ trương, chính sách cũng như cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Người làm quản lý như chúng tôi cũng rất vui mừng vì có một cơ sở để chúng ta bảo vệ, tôn vinh, trả nghĩa cho những người có công giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.

Đối với các nhà nghiên cứu, họ sẽ được tạo điều kiện để các nghệ nhân cung cấp cho chúng ta phần hồn của di sản họ đang nắm giữ. Đối với các nghệ nhân, được vinh danh là niềm phấn khởi cũng là động lực cho lớp nghệ nhân trẻ, con cháu sau này tiếp tục gìn giữ di sản. Nghị định ra đời dù muộn nhưng cũng là nguồn sinh khí mới để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, theo ông Khiêm, những tiêu chí xét tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú còn nhiều nội dung khó áp dụng vào thực tế. Ví dụ tại điều 3, có tiêu chí phải tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng nhưng có những cụ đã cao tuổi và không thể tích cực truyền dạy được nữa, họ không còn khả năng để biểu diễn cũng như truyền dạy.

Trong khi đó, việc phải bảo đảm đủ từ 20 năm trở lên đối với các nghệ nhân trẻ cũng là một vấn đề. Ông đề nghị việc xét tặng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong hướng dẫn phải rất cụ thể đối với từng loại hình di sản.

Quy định lập hồ sơ xét tặng cũng là nỗi băn khoăn của nghệ nhân và các địa phương. Theo quy định, hồ sơ phải gồm cả băng đĩa lưu lại để chứng minh những đóng góp bảo vệ di sản. Nhưng với những nghệ nhân tuổi cao, việc biểu diễn và truyền dạy trước đây chỉ ở các đình, chùa thì khó mà hoàn thiện được hồ sơ. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu cũng ít được đề cập đến.

Nghệ nhân chỉ thực sự là nghệ nhân như danh hiệu cao quý mà Nhà nước và xã hội ghi nhận khi họ được sống trong không khí hoạt động nghề nghiệp của mình. Hy vọng những nghệ nhân đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” sẽ không phải chờ quá lâu khi Nghị định đã có.


Vũ Bắc (TTXVN)