06:12 29/06/2014

Điều trị tâm lý cho nạn nhân mua bán người - Bài 2: Can thiệp lâu dài và tổng thể

Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Thị Hạnh, người có nhiều năm làm tham vấn với nạn nhân của bạo lực gia đình và mua bán người, những vấn đề tâm lý mà các nạn nhân bị buôn bán trở về gặp phải có thể phân thành 2 cấp: các vấn đề tâm bệnh lý và những khó khăn tâm lý.

Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Thị Hạnh, người có nhiều năm làm tham vấn với nạn nhân của bạo lực gia đình và mua bán người, những vấn đề tâm lý mà các nạn nhân bị buôn bán trở về  gặp phải có thể phân thành 2 cấp: các vấn đề tâm bệnh lý và những khó khăn tâm lý.

 

Một số vấn đề tâm bệnh lý là trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối nhiễu stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn nhân cách ranh giới. Những vấn đề này thường gặp ở những người bị xâm hại, cưỡng ép tình dục và đánh đập dã mãn. Với những em gái tuổi vị thành niên bị buôn bán và xâm hại tình dục thì có thể đi kèm hậu quả dễ sử dụng các chất gây nghiện, một phần do ở nước ngoài bị ép sử dụng, phần nữa  đó là cách để đối đầu với những căng thẳng tâm lý sau khi trở về.

 

Một số người có thể gặp những khó khăn tâm lý: Rất tự ti, hình ảnh bản thân thấp kém; Nỗi uất ức, tức giận chưa được giải tỏa, dễ cáu giận; Tự làm tổn thương cơ thể (cứa tay chân, đập đầu, đập người vào tường, cửa…) như là một cách để tạm giải tỏa nỗi đau về tinh thần; Nhiều em gái dễ dàng có quan hệ tình dục với người lạ, người mới quen nhưng đó không phải là vì tính các em “dễ dãi” mà là hậu quả tâm lý của việc vị xâm hại tình dục sớm.

 

Các tổn thương tâm lý đối với nạn nhân bị mua bán trở về.


Có những người bị đưa đi nước ngoài làm vợ, được đối xử không quá tệ, chỉ phải đi làm vất vả và xa lạ ngôn ngữ, tập quán. Có người đưa được con về, có người không. Với người không đưa con về được thì bị nỗi nhớ con dày vò. Còn phổ biến là tình trạng luôn có cảm giác mất an toàn, cảnh giác quá mức. Nhiều phụ nữ luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị bán trở lại, sợ hãi bị trả thù vì đã nói ra tên kẻ buôn người. Nhiều người tự dằn vặt bản thân vì cảm giác mình bẩn thỉu, ko xứng đáng. Nhiều phụ nữ, trẻ em gái có lối sống tách biệt, có cảm giác cô đơn vì cho rằng mình khác biệt với người khác. Họ còn có thể có vấn đề về tâm thể: đau đầu, đau bụng – dạ dày, khó khăn giấc ngủ... Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục mà họ mắc phải, cũng khiến họ tự ti, bi quan.

 

“Nhiều thân chủ của tôi có những khó khăn về hoàn cảnh gia đình trước khi đi nên việc can thiệp tâm lý cần lâu dài và tổng thể. Chuyên gia tâm lý không chỉ làm việc với vấn đề, sự kiện gây sang chấn khi bị bán, mà còn phải hàn gắn những tổn thương trước đó của các nạn nhân: ví dụ nỗi sợ hãi chứng kiến sự đánh đập của bố với mẹ, của anh chị em với nhau, của bố/mẹ với bản thân mình,…” – Thạc sĩ Tô Thị Hạnh cho biết.

 

Có nhiều phương pháp tiếp cận trong tham vấn/trị liệu tâm lý cho nạn nhân. Tuy nhiên có một số cách tiếp cận phổ biến như Nhận thức – Hành vi: Giúp nạn nhân đối đầu lại với các sự kiện sang chấn để làm giảm nhẹ sự ảnh hưởng khi nhớ tới khoảnh khắc khó khăn trong cuộc đời và giúp xây dựng lại/ thay đổi những niềm tin, suy nghĩ tiêu cực liên quan tới sự kiện hoặc hình ảnh bản thân; Hay liệu pháp nhân văn hiện sinh – giúp họ làm lành vết thương qua việc được chấp nhận là chính mình, được thấu hiểu và từ đó để họ tự đưa ra được các cách ứng phó phù hợp với những vấn đề của bản thân.

 

Một cách tiếp cận khác cũng được sử dụng trong hỗ trợ tâm lý cho họ là tham vấn dựa trên xây dựng các câu chuyện: mỗi người có rất nhiều câu chuyện, bên cạnh những câu chuyện buồn, bi thương đang bao trùm tâm trí họ thì cũng có những câu chuyện vui, mạnh mẽ, hạnh phúc… mà có thể họ tạm thời lãng quên; việc khơi gợi, xây dựng và duy trì các câu chuyện tích cực về bản thân, về cuộc sống, về con người cũng có thể giúp họ có cái nhìn khác đi về những sang chấn và trở nên mạnh mẽ hơn. 

 


Ngoài tham vấn/trị liệu tâm lý cá nhân thì lớp “phát triển cá nhân” là một dạng tập huấn mang tính trị liệu được thực hiện trong giai đoạn đầu để bệnh nhân bày tỏ cảm xúc của mình thông qua các hoạt động mang tính nghệ thuật như vẽ tranh, hay chuyển động cơ thể (múa tự do) và các bài tập/trò chơi tương tác với các thành viên trong lớp. Hoạt động này giúp mỗi các nhân cảm thấy mình được chia sẻ và có sự đồng cảm trong nhóm. Nó không chỉ giúp họ được giải tỏa cảm xúc tiêu cực mà còn giúp họ mạnh mẽ hơn, có cái nhìn bao dung hơn với cuộc sống, thông qua việc được kết nối với những người đồng cảnh hoặc thậm chí với người có số phận bi đát hơn.

 

Lớp Kỹ năng sống cũng là một hoạt động cần thiết: Các nạn nhân  thường thiếu rất nhiều kỹ năng để sống khỏe và duy trì tâm trạng tích cực. Do vậy, cần các lớp định hướng suy nghĩ, quản lý giận dữ, kỹ năng giao tiếp, thậm chí cách chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho bản thân mình…

 

“Vấn đề con người là rất khó” – chị Lê Thị Tường Vi - nhân viên xã hội tại Ngôi nhà bình yên (Hà Nội) chia sẻ. Khó nhất là hướng dẫn cho các em đối xử với quá khứ của mình. Quá khứ đó ảnh hưởng thế nào với việc học, làm lại cuộc đời hiện tại, là vấn đề của mỗi cá nhân, cần can thiệp 1-1.  Các phụ nữ sau khi được chăm sóc ở Ngôi nhà bình yên, thì hồi gia. “Nhưng công ăn việc làm của họ ra sao, sự hỗ trợ tiếp theo của địa phương như thế nào là điều chúng tôi chỉ theo dõi (có chương trình theo dõi hồi gia) mà không can thiệp được. Thậm chí, có thể  có em  do cuộc sống khó khăn lại sa vào tệ nạn xã hội mà chưa thể thống kê”- chị Tường Vi cho biết.



Thùy Hương