04:10 09/04/2011

Điều kiện, hồ sơ, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội

Những ngày này, các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Báo Tin Tức xin giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Những ngày này, các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Báo Tin Tức xin giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử


Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực thì nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình ứng cử.

Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội

Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:

- Người chưa đủ 21 tuổi.

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Người đang bị khởi tố về hình sự;

- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;

- Người đang bị tạm giam;

- Người mất năng lực hành vi dân sự;

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án;

- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.

Sáng 7/4/2011, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác do đồng chí Huỳnh Đản, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Trung ương dẫn đầu, đã đến làm việc và kiểm tra tiến độ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 với Ủy ban bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết, thì Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu.

Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội

- Đơn xin ứng cử;

- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú;

- Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu, nền trắng, cỡ 4x6 cm; sau ảnh ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán (tỉnh, thành phố);

- Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử.

Mẫu hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội do Hội đồng bầu cử ban hành thống nhất trong cả nước.

Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử và việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử

Chậm nhất là sáu mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hội đồng bầu cử có trách nhiệm tiếp nhận các hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương giới thiệu. Sau khi tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ ứng cử, Hội đồng bầu cử có trách nhiệm chuyển tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đưa vào danh sách hiệp thương.

Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở địa phương giới thiệu và những người tự ứng cử. Sau khi tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ ứng cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đưa vào danh sách hiệp thương.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập danh sách người ứng cử

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức có thẩm quyền lập danh sách những người ứng cử được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương giới thiệu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức có thẩm quyền lập danh sách những người ứng cử được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử.

Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách những người ứng cử

Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử danh sách chính thức những người được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử gửi đến các Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hữu quan danh sách những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.

- Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh danh sách chính thức những người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Chậm nhất là hai mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi đến.

- Chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử phải niêm yết danh sách những người ứng cử ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử.

Danh sách những người ứng cử gồm những thông tin

Những thông tin cần phải ghi rõ trong danh sách những người ứng cử là: Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi làm việc của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...

Người ứng cử đại biểu Quốc hội có thể là thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử được không?

Người ứng cử đại biểu Quốc hội không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị mình ứng cử; nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị mình ứng cử thì người ứng cử phải rút ra khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó kể từ ngày được ghi tên vào danh sách chính thức những người ứng cử.

Số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử

Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định.

Trường hợp Hội đồng bầu cử quyết định xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội làm cho số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi thống nhất với Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định; nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định việc chuyển người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số dư nhiều nhất trong cùng tỉnh, thành phố đến đơn vị bầu cử không có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu. Trong trường hợp không chọn được người có tín nhiệm cao nhất trong danh sách đã Hiệp thương lần thứ ba và không thể chuyển người ứng cử từ đơn vị bầu cử khác đến thì Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.

Việc kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội

Người ứng cử đại biểu Quốc hội (bao gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại mục 4 chương II của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ.

Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử là tài liệu trong hồ sơ ứng cử

Người ứng cử đại biểu Quốc hội có nghĩa vụ kê khai trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn về số lượng tài sản, thu nhập và những thay đổi so với lần kê khai gần nhất trước đó; giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về những nội dung liên quan đến việc kê khai thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. Người ứng cử đại biểu Quốc hội nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện việc kê khai trên còn phải thực hiện các nghĩa vụ về kê khai tài sản, thu nhập do tổ chức đó quy định.

Văn phòng Quốc hội