12:10 27/12/2010

Điều gì tác động đến kinh tế thế giới năm 2011?

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) mới đây đã đăng tải bài phân tích về một số vấn đề lớn có khả năng tác động không chỉ đến một nền kinh tế mà còn tác động đến khu vực và cả thế giới trong năm 2011.

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) mới đây đã đăng tải bài phân tích về một số vấn đề lớn có khả năng tác động không chỉ đến một nền kinh tế mà còn tác động đến khu vực và cả thế giới trong năm 2011.

- Cuộc khủng hoảng của châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên khu vực đồng euro (Eurozone) và những lo ngại về sự tồn tại lâu dài của đồng tiền chung này sẽ không dễ lắng dịu.


Dự báo, năm 2011, Eurozone có thể sẽ tránh được sự sụp đổ, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ví dụ, Tây Ban Nha sẽ phải đáo hạn khoảng 21% số nợ công của họ, trong khi lại phải tìm nguồn tài chính bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách tương đương 7% GDP.


Kinh tế thế giới sẽ đố mặt với nhiều khó khăn trong năm tới-Ảnh internet



- Các biện pháp khắc khổ. Yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách vẫn là một thách thức đối với nhiều nước thành viên Eurozone, cũng như đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh.


Trong năm 2011, các biện pháp khắc khổ sẽ được tăng cường hơn ở một số nước châu Âu khi các dịch vụ công bị cắt giảm. Điều kiện kinh tế cũng trở nên khó khăn hơn do các động lực thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu trong năm 2010 nhìn chung sẽ bị mất đà. Hơn nữa, nếu việc thắt chặt tài chính bắt đầu phá vỡ sự phục hồi, các chính phủ có thể phải trì hoãn các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".


Hiện tại, Mỹ không nằm trong bức tranh này vì chính quyền sẽ thực hiện một gói kích thích tài chính mới. Tuy nhiên, những lo ngại đối với sự ổn định tài chính sẽ ngày càng tăng nếu Quốc hội Mỹ không đưa ra được kế hoạch dài hạn đáng tin cậy để đưa chi tiêu của chính phủ vào tầm kiểm soát.

- Các thị trường trái phiếu. Trong hai tháng qua, lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ của các nước phát triển đã gia tăng. Mặc dù lãi suất vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn trong lịch sử, nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là lãi suất tăng có báo hiệu cho sự kết thúc 30 năm thống trị thị trường của trái phiếu chính phủ Mỹ.


Nếu đúng như vậy, thì các tài sản thuộc loại rủi ro hơn sẽ như thế nào? Nếu giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, đẩy lãi suất lên, thì chi phí đi vay của các nước đang phát triển và các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn không còn thu hút được đầu tư vào cổ phiếu và nguyên liệu. Lãi suất cao hơn có thể là do lòng tin vào sự phục hồi kinh tế tăng, nhưng cũng có thể là do những nghi ngại về khả năng trả được nợ của chính phủ tăng lên.

- Chính sách của Trung Quốc. Nhu cầu tăng lên của Trung Quốc đã hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2010. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại do áp lực lạm phát tăng. Giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng cao nhất trong vòng 28 tháng qua, và giá bất động sản tăng cũng gây ra những lo ngại.


Ngoài những tác động tức thời đến nhu cầu toàn cầu, xu hướng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến dây chuyền cung cấp trong năm 2011. Việc tăng lương nhanh ở Bắc Kinh có thể dẫn đến sự chuyển dịch sản xuất các mặt hàng thấp cấp sang các nước khác, đặc biệt là các nước châu Á.

- Nguyên liệu. Hai câu hỏi lớn đối với thị trường nguyên liệu trong năm 2011 là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống đến mức nào thì sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với năng lượng và nguyên liệu thô; và liệu đồng USD có phục hồi hay không. Tính theo USD, giá các nguyên liệu thô tăng 40% trong năm 2010, phần lớn là do nhu cầu của Trung Quốc tăng lên.


Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại quá mức do những chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, có thể gây tác động nghiêm trọng đến giá năng lượng và kim loại. Giá lương thực thực phẩm, đặc biệt là ngũ cốc và đường, sẽ tăng mạnh trong năm 2011.


Điều này sẽ tác động đến lạm phát trên toàn thế giới và sẽ gây căng thẳng cho chính phủ những nước trợ giá lương thực. Nếu đồng USD tăng giá mạnh hơn so với dự báo, giá nguyên liệu có thể giảm. Nguồn cung một số nguyên liệu, như đồng, nhiều khả năng sẽ bị thiếu hụt.

- Tình trạng thất nghiệp tại Mỹ. Liệu cuối cùng các công ty Mỹ có lạc quan để bắt đầu thuê tuyển nhân công trong năm 2011 hay không. Sở dĩ các công ty không sẵn sàng thuê lao động, một phần do họ cắt giảm chi phí để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, phần khác vì các gói kích thích tài chính và lượng hàng tồn kho đã đẩy nhu cầu tăng vào cuối năm 2009 và nửa đầu năm 2010. Và điều đáng buồn là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dự báo sẽ vẫn trên 9% trong năm tới.

Đình Thư (P/v TTXVN tại New York)