11:17 02/11/2018

Điều gì sẽ đến với Tổng thống Trump nếu kết quả bầu cử giữa kỳ ‘thất bát'?

Cơ hội đảng Dân chủ giành lại Hạ viện được đánh giá là 6/7 trong khi cơ hội để phe Cộng hòa giữ được ghế chỉ là 1/7. Điều gì sẽ xảy ra với Tổng thống Trump nếu đảng Cộng hòa "thất bát" trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử cho một ứng viên đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra rất tự tin về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11 tới, nơi tên ông không xuất hiện trên lá phiếu, nhưng lại được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng.

“Tôi cũng có cảm giác này hồi năm 2016” - ông Trump phát biểu với tờ USA Today khi bay tới Texas vận động tranh cử cho nghị sĩ Ted Cruz - “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm tốt”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng "cơn thủy triều" đang dâng lên nhằm vào Tổng thống và đảng Cộng hòa của ông. Mặc dù năm 2018 không chứng kiến một “làn sóng xanh” của phe Dân chủ, nhưng đa số giới phân tích cho rằng phe Dân chủ sẽ làm hết sức để giành được 23 ghế cần thiết, qua đó giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Trang phân tích chính trị Five Thirty Eight cho rằng cơ hội đảng Dân chủ thắng tại Hạ viện là 6/7 (85,9%), trong khi cơ hội để phe Cộng hòa giữ được ghế chỉ là 1/7 (14,1%).

Chú thích ảnh
Cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa tới dự mít tinh vận động tranh cử.

Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng, phe Cộng hòa sẽ giữ được đa số mong manh ở Thượng viện, dù vẫn còn cơ hội cho phe Dân chủ tại đây. Five Thirty Eight đánh giá cơ hội phe Dân chủ thắng ở Thượng viện là 2/9 và phe Cộng hòa giữ được quyền kiểm soát là 7/9.

Trong trường hợp bầu cử giữa kỳ diễn biến xấu với phe Cộng hòa, dưới đây là bốn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra:

Để mất Hạ viện

Điều mà Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa lo ngại nhất cũng là điều dễ xảy ra nhất – để mất Hạ viện. Đây là nơi bắt đầu hầu hết tiến trình lập pháp, và nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát, họ sẽ không chỉ làm gián đoạn nghị trình của Tổng thống mà còn tự thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình.

Phe Dân chủ tại Hạ viện sẽ phải hợp tác với Thượng viện, nhưng thời kỳ toàn quyền khi phe Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội sẽ chấm dứt.

Chú thích ảnh
Các cử tri đi bỏ phiếu sớm tại bang Texas. Ảnh: AFP

Quan trọng hơn, Hạ viện là nơi bắt đầu của bất cứ thủ tục nào nhằm luận tội Tổng thống Trump. Phe Dân chủ đã quyết định không bàn về vấn đề này trước cuộc bầu cử, tuy nhiên nếu giành được đa số, khi Hạ viện mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2019, giới nghị sĩ Dân chủ có thể sẽ nghĩ rất khác.

Nhiều thành viên mới được bầu, trẻ tuổi hơn có thể thúc đẩy một thủ tục luận tội, đặc biệt nếu như cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đi đến những kết quả có hại cho Tổng thống.

Mất Thượng viện

Nếu phe Cộng hòa mất một trong hai viện quốc hội, họ có thể lựa chọn giữ Thượng viện. Nhưng nếu họ vẫn trụ lại tại Hạ viện và để mất Thượng viện, các Thượng nghị sĩ Dân chủ có thể gây ra nhiều khó khăn với Tổng thống bằng cách kêu gọi các phiên điều trần nhằm vào các lợi ích kinh doanh của ông, các xung đột lợi ích hay bất cứ thứ gì họ muốn.

Dianne Feinstein, Thượng nghị sĩ Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện, gần đây cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc điều tra mới nhằm vào Thẩm phán Tòa án tối cao Brett Kavanaugh, người bị cáo buộc đã tấn công tình dục ít nhất 3 phụ nữ.

Chú thích ảnh
Nữ hoàng talk-show Oprah Winfrey vận động tranh cử cho ứng viên đảng Dân chủ Stacey Abrams tại bang Georgia.

“Cái chạm kỳ diệu” biến mất

Tổng thống Trump từ lâu tự tin về năng lực giúp các ứng cử viên Cộng hòa ủng hộ ông và Nhà Trắng. Trong nhiều trường hợp thì ông đã đúng. Các ứng cử viên Karen Handel của bang Georgia, Ron Estes của Kansas và Greg Gianforte của Montana, đều đã giành chiến thắng trước đối thủ Dân chủ hồi năm ngoái nhờ sự hậu thuẫn của Tổng thống.

Những người khác, mặc dù được ông Trump ủng hộ, như Roy Moore của bang Alabama, Rick Saccone ở Pennsylvania thì đều thất bại. Kể từ khi đắc cử Tổng thống đến nay, ông Trump đã ủng hộ cho 83 ứng cử viên. Nếu hầu hết những người mà ông ủng hộ giành được ghế tại cuộc bầu cử sắp tới, uy tín của ông Trump sẽ được đẩy cao. Nhưng nếu đa số các ứng viên "ruột" hứng chịu thất bại, đó sẽ là một sự bẽ bàng với tổng thống.

Thách thức từ nội bộ

Mặc dù các lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ chịu trách nhiệm lớn nhất nếu họ để mất một trong hai viện, ông Trump cũng không thoát khỏi việc bị đổ lỗi chung. Uy tín của Tổng thống ở trong nội bộ đảng chắc chắn sẽ bị tổn hại. Thất bại của đảng có thể sẽ cổ vũ cho một nhân vật nào đó trong đảng đứng lên để thách thức vị thế của ông Trump trong cuộc bầu đại diện của đảng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2020.

Rất hiếm khi một tổng thống đương nhiệm bị thách thức từ nội bộ đảng, nhưng điều này trên thực tế từng xảy ra. Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter đã phải trải qua cuộc đấu nội bộ với Thượng nghị sĩ Ted Kennedy để giành suất ra tái tranh cử tổng thống.

Thu Hằng/Báo Tin tức