01:14 17/01/2015

Điều chỉnh tỷ giá khi thị trường phát tín hiệu

Theo nhận định của các chuyên gia, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay cũng như thể hiện sự linh hoạt của nhà điều hành.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ đầu năm là thời điểm có đôi chút khác biệt so với những lần điều chỉnh tỷ giá trong vài năm trở lại đây (thông thường là điều chỉnh từ giữa năm, cuối năm). Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia cũng như các nhà quản lý, sự khác biệt này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay và điều đó thể hiện sự linh hoạt của nhà điều hành khi điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. 


Làm thủ tục giao dịch cho khách tại một ngân hàng. Ảnh: Trần Việt-TTXVN.


Ông Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) nhận định, mặc dù thời điểm điều chỉnh tỷ giá lần này có khác nhưng nguyên nhân điều chỉnh khá tương đồng với các năm trước, nhất quán với mục tiêu chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm vừa qua. 


Vị Phó giám đốc Vietcombank cũng phân tích, thời điểm điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm là khá thích hợp, tác động tích cực về mặt kinh tế. Cụ thể, mức tỷ giá mới sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, khích thích dòng kiều hối tăng trong “mùa cao điểm” hiện nay. 


Còn về tác động tâm lý, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ làm giảm kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, giảm tâm lý nắm giữ ngoại tệ của thị trường. “Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc xóa bỏ tâm lý và kì vọng thị trường là Ngân hàng Nhà nước phải dùng hết mức điều chỉnh 2% nên việc điều chỉnh sớm trong năm 2015 sẽ sớm giúp ổn định tâm lý thị trường. Và nhờ đó các doanh nghiệp liên quan dến việc sử dụng ngoại tệ được chủ động trong việc lập và thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phó Giám đốc Vietcombank nói. 


Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhìn nhận, điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này tuy có khác với mọi năm nhưng vẫn phù hợp. “Có vài ý kiến cho rằng năm nay NHNN điều chỉnh sớm. Theo tôi, không quan trọng tháng nào, quý nào, thị trường bảo làm sao thì phải theo tín hiệu”, Tiến Sỹ Cấn Văn Lực nói. 


Vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này cũng phân tích, vào thời điểm đô la Mỹ lên mạnh như vừa qua, lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỷ giá sẽ không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát cao. Ngay lập tức thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt theo sự ứng biến của thị trường. Điều đó chứng tỏ NHNN ngày càng chủ động hơn với thị trường. Ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng, nhưng cần đảm bảo tính thị trường và tính linh hoạt. Việt Nam có nhiều nhân tố tác động tỷ giá khác các nước như lạm phát, giá vàng, tâm lý nên việc kiểm soát tỷ giá ổn định do vậy khó khăn hơn các nước. 


Ở một góc nhìn khác, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, đây là quyết định khá bất ngờ nhưng thông minh và nhạy cảm của NHNN, đồng thời cho thấy NHNN đã hiểu rõ, sâu sắc tình hình thương mại, tài chính toàn cầu, hiểu vị thế, cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. “Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói. 


Ông Lê Xuân Nghĩa phân tích, trên thị trường quốc tế, đồng đô la Mỹ tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng lớn đến các quốc gia đang phát triển, đặc biệt quốc gia nợ USD. Quốc gia nào còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ít thì sẽ rất khó khăn. Việc NHNN tăng tỷ giá hối đoái có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ dầu thô quy ra tiền đồng tăng, xuất khẩu tăng, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn. Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. 


Rõ ràng, việc tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, cho nền kinh tế và đây cũng là quy luật của thị trường. Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc điều chỉnh tăng giá đô la Mỹ vào cuối năm âm lịch lại khiến nhiều người lo ngại sẽ đẩy giá tiêu dùng lên cao. Bà Trương Thị Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân nhận định, có nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước có liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu. Việc tỷ giá tăng sẽ dẫn đến giá thành các mặt hàng này tăng và buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán, mà thị trường đang vào “mùa mua sắm” khi Tết Nguyên đán đang tới gần.



Đỗ Huyền (TTXVN)