05:23 07/05/2015

Điều chỉnh tỷ giá 1% để hạn chế rủi ro nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng ngày 7/5 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng ngày 7/5 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần hiện là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.

Tỷ giá tăng “nóng” buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tiền gửi tại Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 7/5, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Đây là thời điểm hợp lý để NHNN phải có động thái rõ ràng nếu không nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Bình ổn thị trường ngoại tệ

Việc NHNN đưa ra quyết định trên trong bối cảnh, tỷ giá đã liên tục tăng “nóng” kể từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại. Ngày 6/5, tỷ giá ngân hàng tăng ở mức kịch trần 21.673 đồng/USD, trong khi giá mua bán trên thị trường tự do là 21.730 đồng.

Đại diện NHNN cho rằng: Lý do tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tỷ giá trên thị trường vẫn diễn biến trong biên độ quy định của NHNN, tuy nhiên để chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD kể từ ngày 7/5.

Ngay sau khi có quyết định của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã điểu chỉnh giá niêm yết ngay trong sáng 7/5. Tại Ngân hàng BIDV, tỷ giá mua vào - bán ra là: 21.660 - 21.730 đồng/USD, tăng 30 đồng giá mua vào và tăng 60 đồng giá bán ra so với chiều 6/5; Vietcombank là 21.670 - 21.730 đồng/USD; Eximbank: 21.650 - 21.740 đồng/USD…

Theo TS Trí Hiếu, nếu NHNN không kịp thời điều chỉnh sẽ là rủi ro lớn cho nền kinh tế. Theo đó, NHNN sẽ phải “gánh” chi phí cơ hội rất lớn khi các NHTM, nhà đầu cơ mua gom USD giá rẻ tại NHNN rồi đem ra thị trường tự do bán với giá cao để hưởng chênh lệch. Như vậy, giới đầu cơ sẽ trục lợi. “Đây là tình huống bắt buộc mà NHNN phải làm trong lúc này, vừa để bình ổn thị trường, trấn an tâm lý vừa giúp NHNN mua được ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối”, ông Hiếu nói. Bộ phận nguồn vốn của Ngân hàng Techcombank cho biết thêm: Việc tăng giá USD cũng là một trong cách để thu hút các doanh nghiệp bán USD cho ngân hàng.

Các ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã bán ra, không còn gây sự thiếu hụt và khan ảo USD trên thị trường.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nói: “Xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi điều chỉnh tỷ giá. Vì thời gian qua, VND được định giá cao nên khi hàng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, EU (trong khi đồng tiền của họ đã phá giá) đã gặp khó vì giá hàng cao, khó cạnh tranh. Giờ điều chỉnh thì đỡ phần nào nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn. Còn hàng nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng vì giá sẽ đội lên. Tuy nhiên đối với Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá 1% chưa tác động nhiều”.

Ảnh hưởng tới lãi suất ngân hàng

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, sự bất lợi sau khi điều chỉnh tỷ giá là nợ công của Việt Nam tính bằng VND sẽ tăng theo và ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất hiện nay. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ tác động tới lạm phát, vì theo tính toán tỷ giá điều chỉnh thêm 1% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,2%.

Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Thống đốc NHNN:

Ngay sau khi NHNN thông báo tăng biên độ tỷ giá USD 1% vào sáng 7/5 thì tỷ giá trên thị trường đã có diễn biến giảm dần. Đến chiều cùng ngày, tỷ giá đã giảm còn (mua - bán) 21.660 - 21.670 đồng/USD. Tổng giá trị giao dịch khoảng 700 triệu USD, mức rất bình thường trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ, cũng như các giải pháp để ổn định thị trường và tỷ giá trên mặt bằng giá mới; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, các dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ để có thể điều hành phù hợp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn “ngóng” lãi suất cho vay giảm nhưng việc tăng tỷ giá có khả năng ảnh hưởng tới việc này. Bởi khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và USD hiện khoảng trên 5% và tỷ giá tăng mạnh thì người gửi tiền sẽ có khuynh hướng rút tiền đồng, đổi sang USD để gửi ngân hàng. “Do đó, để tránh “mất máu” trên kỳ hạn tiền gửi bằng VND, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng. Như vậy, khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ tăng theo. Song đây cũng chỉ là giả định sẽ xảy ra trong dài hạn”, ông Hiếu nói.

TS Trần Đình Thiên cũng từng lo lắng về điều chỉnh tỷ giá VND/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công. Nhưng theo ông đến thời điểm hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014. Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài. “Các khoản vay ODA đối với Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, Việt Nam sẽ dần phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi và các khoản vay với điều kiện vay thương mại hoặc các khoản vay có lãi suất thả nổi. Do đó, rủi ro lãi suất, chứ không phải rủi ro tỷ giá, có thể là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong những năm tới”, ông Thiên nhận định.

Khó đạt mục tiêu tăng không quá 2%?

NHNN từng khẳng định: Sẽ kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá cả năm tăng không quá 2%. Như vậy, dư địa tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm không còn, nếu NHNN giữ đúng cam kết. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng: NHNN không nên cam kết “cứng”, vì tình hình tiền tệ thế giới biến động rất lớn, mà chỉ nên đưa ra định hướng điều hành.

Theo ông Hiếu, việc điều chỉnh biên độ +/-1% sẽ giúp “cơn sốt” tỷ giá hạ nhiệt nhưng chỉ là tạm thời vì từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ còn biến động do kinh tế trong nước phục hồi, Việt Nam sẽ cần phải nhập khẩu nhiều hơn khiến nhu cầu ngoại tệ tăng. Chưa kể USD sẽ ngày càng tăng giá trên thị trường tiền tệ thế giới, nhất là nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD vào giữa năm nay.

Đồng tình quan điểm này, ông Phương cho rằng: Thời gian qua gần như neo cứng trong khi giá USD từ tháng 6/2014 - 3/2015 tăng 24%. Với diễn biến như hiện nay tỷ giá còn phải tăng và mục tiêu NHNN điều chỉnh không quá 2% là khó khả thi vì phải đối mặt với tình hình nhập siêu; nợ công và phải hỗ trợ xuất khẩu.

Minh Phương - Hải Yên