09:22 16/09/2015

Điều chỉnh thuế nội địa và thu hồi nợ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/9 cho biết: Nhờ điều chỉnh chính sách thuế nội địa nên đã bù đắp được phần nào sự sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do giá dầu đột ngột giảm sâu.


Không thay đổi chỉ tiêu thu NSNN năm nay là 911.100 tỷ đồng, Bộ Tài chính vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó có việc thu hồi nợ đọng và quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách.

Thu nội địa đạt khá

Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN trong 8 tháng ước đạt 618,14 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn thu nội địa ước đạt 459,45 nghìn tỷ đồng, bằng 71,9% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đảm bảo nguồn thu những tháng cuối năm, ngoài việc thực hiện tiết kiệm hiệu quả, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị số thu thuế nội địa không kể thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất phải tăng từ 10% trở lên.

“Chúng ta không nên quá nhấn mạnh về giá dầu sụt giảm khiến thất thu NSNN. Giá xăng dầu giảm cũng có những hiệu ứng tích cực, giúp Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát; kích thích đầu tư, tiêu dùng; góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu. Từ đó làm giảm giá đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, góp phần làm tăng GDP, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và giúp thu ngân sách cao hơn”.

TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Nhờ điều chỉnh chính sách thu đối với một số tài nguyên khoáng sản và thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nên nhiều khoản thu nội địa tiến độ đạt khá (trên 70% dự toán năm). Đáng chú ý, có khoản đã hoàn thành dự toán năm như: Thuế bảo vệ môi trường đạt 110,2%, thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 103%; các khoản thu về nhà, đất đạt khá cao là 97,8% dự toán; lệ phí trước bạ đạt khoảng 90% dự toán... Tuy nhiên, do giá dầu giảm mạnh (bình quân gần 60 USD/thùng, giảm trên 40 USD/thùng so với giá dự toán) nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỷ năm trước. Thu từ dầu thô trong 8 tháng ước đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguồn hụt thu NSNN đã và đang được bù đắp bằng nguồn thu bổ sung từ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá; tăng tỉ giá và phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như tăng khai thác, xuất khẩu dầu thô từ những mỏ có giá thành thấp trong khi giảm khai thác ở những mỏ có giá thành cao.

Để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả; đồng thời đảm bảo nguồn thu NSNN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo đó, các mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016 với một số khoáng sản kim loại dự kiến tăng thêm 2% như: Đồng (từ 13 lên 15%); bạc, thiếc (từ 10 - 12%), mangan tăng 3% (từ 11 - 14%)…Tuy nhiên đề xuất này của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

Lý giải vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế. Ví dụ: Trung Quốc đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu NSNN khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới; Indonesia tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1/2015 khi dự kiến phải thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế.

Thu hồi nợ đối với những DN nợ thuế

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trước mắt trong tháng 9, cơ quan thuế đã thu được trên 50% tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp nợ thuế lớn đã công bố công khai theo công văn số 9901/BTC-TCT ngày 20/7/2015 và tiếp tục rà soát để công khai số nợ thuế của các doanh nghiệp khác nhưng phải đảm bảo số liệu chính xác, tránh sai sót.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu lan tỏa được đến giá sản xuất thì giá xăng dầu chỉ cần giảm 20% sẽ dẫn tới chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ đầu tiên khoảng 0,8%, kéo theo giá thành ở chu kỳ mới giảm thêm 0,3- 0,5%. Nếu giá dầu ở mức 50 hay 40 USD/thùng cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu tính toán trên chỉ áp dụng trong tình huống giá dầu giảm lan tỏa được đến giá sản xuất. Còn nếu tính cả sự ứng phó của Nhà nước đến diễn biến giá dầu thông qua tăng thuế cũng như việc trì trệ giảm cước vận tải thì tác động đến nền kinh tế sẽ khác đi.

Đại diện Cục thuế Thành phố Hà Nội cho biết: Sau khi công khai 268 đơn vị nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính đến ngày 31/8 đã có 175 doanh nghiệp nộp khoảng 1.100 tỷ đồng vào NSNN. Trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, phía Cục thuế Hà Nội cũng khuyến cáo các chủ dự án, doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế cần thu xếp nguồn tài chính và khẩn trương nộp nợ vào NSNN.

Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội cũng đang chỉ đạo các phòng quản lý, các chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế. Đối với những đối tượng hiện nợ đọng thuế kéo dài, Cục Thuế Hà Nội sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép nộp dần tiền thuế nợ thông qua hình thức người nộp thuế cam kết chia dần số thuế nợ nộp trong 12 tháng.
M.Phương- K.Nhi