08:22 12/08/2015

“Diệt giặc đói”- mục tiêu quan trọng phát triển đất nước

Thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đó là một mục tiêu quan trọng phát triển đất nước. 70 năm qua, dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên...

Thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đó là một mục tiêu quan trọng phát triển đất nước. 70 năm qua, dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ, cũng chính là “diệt giặc đói” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong những ngày đầu Cách mạng thành công.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Ngay từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định đói nghèo như là một thứ “giặc”, cũng như giặc dốt, giặc ngoại xâm, cần đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân lao động thoát khỏi đói nghèo, làm cho mọi người có việc làm, ấm no, hạnh phúc. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất - một trong 6 công việc cấp bách cần làm ngay. Nhiều quyết sách xóa đói giảm nghèo đã được Đảng, Nhà nước ta đặt ra.

Bước sang thời kỳ đổi mới, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu với nhiều chính sách đổi mới theo hướng chuyển đổi “từ nền kinh tế tập trung bao cấp, sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước”, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thời kỳ 1991 - 1998 là giai đoạn đầu tiên nhằm định hình đường lối trong quá trình thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo lần đầu tiên được Chính phủ phê chuẩn vào năm 1998. Đến giai đoạn 1998 - 2010, xóa đói giảm nghèo đã trở thành một mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước. Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã được ban hành, tập trung vào 6 nhóm chính sách: giáo dục - đào tạo; tín dụng; y tế; hỗ trợ sinh kế (hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất); nhà ở; trợ giúp pháp lý; cơ sở hạ tầng. Bên cạnh các chính sách giảm nghèo nói chung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020 (Chương trình 30a); Chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; Chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; Chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo... góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

Trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Giai đoạn 2011 - 2015, Ngân sách Trung ương đã bố trên 32.000 tỷ đồng, huy động thêm nguồn lực từ xã hội khoảng hơn 10.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với nguồn lực của Trung ương, các địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, như: Chính sách tín dụng ưu đãi; mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Với những giải pháp đồng bộ về chính sách và ưu tiên nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 11,76% cuối năm 2011 (giảm 2,24%), 9,6% cuối năm 2012 (giảm 2,16%) và 7,8% cuối năm 2013 (giảm 1,8%). Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8 - 2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%); dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013, ước còn khoảng 33,20% cuối năm 2014; bình quân giảm trên 5%/năm. Như vậy, trong những năm qua, bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015.

Góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước...

Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ - TTg ngày 19/12/2014 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội; chỉ đạo các bộ ngành có liên quan, tập trung rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Đồng thời, hình thành duy nhất một Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo chung để ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số; xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu (thu nhập bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu và nghèo cùng cực) và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan đang tích cực thực hiện rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tích hợp chính sách giảm nghèo theo hướng: tiếp tục ưu tiên cả chính sách, nguồn lực cho vùng có tỷ lệ nghèo cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ hỗ trợ những việc người dân không có khả năng làm; hướng tới hỗ trợ thông qua cộng đồng để mang lại hưởng lợi cho nhiều người, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy, bảo đảm công khai, minh bạch; khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không...

Việc xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan tích cực thực hiện để sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Qua các cuộc thảo luận giữa các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, Việt Nam dự kiến trước mắt xem xét việc nghèo qua 5 chiều: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh) và tiếp cận thông tin.

Cuối năm 2015, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng ưu tiên tập trung nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, lồng ghép và phân định phạm vi với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Phúc Hằng