06:08 28/06/2011

Điệp viên hai mang vĩ đại nhất Thế Chiến II - Kỳ cuối: Đức đã bị lừa như thế nào?

Để đạt được mục tiêu này, các nhân viên của Cơ quan tình báo Anh và chỉ huy chiến dịch của họ phải hết sức cẩn trọng trước khi quyết định truyền đi bất kỳ bức điện nào cho Pujol, để anh cung cấp cho người Đức.

Để đạt được mục tiêu này, các nhân viên của Cơ quan tình báo Anh và chỉ huy chiến dịch của họ phải hết sức cẩn trọng trước khi quyết định truyền đi bất kỳ bức điện nào cho Pujol, để anh cung cấp cho người Đức. Thông thường, nội dung các bức điện tuy là đúng sự thật nhưng lại chỉ là những mẩu tin vụn vặt. Giống như trò chơi ghép hình, mỗi một bức điện chỉ là một miếng ghép của một bức tranh, chỉ có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của nó khi nó đã được ghép với những bức điện khác trong một tổng thể.

Những thiết bị của đường dây liên lạc vô tuyến được Pujol sử dụng trong quá trình truyền tin cho người Đức.

Tâm điểm của kế hoạch nghi binh là một đội quân “ma” với nhóm lính Mỹ đầu tiên (FUSAG). Lực lượng ảo này bao gồm 11 sư đoàn (150.000 quân), cùng với những chiếc xe tăng giả, đặt dưới sự chỉ huy của Đại tướng George S. Patton, một trong những chỉ huy xuất sắc nhất của quân đồng minh. FUSAG thực hiện mọi bước chuẩn bị để đổ bộ lên Kent và Essex ở Pas de Calais – một nơi rất xa so với vị trí đổ bộ thực tế về phía tây. Các nhân viên của Cơ quan tình báo Anh được sử dụng để phụ họa cho kế hoạch nghi binh này. Kế hoạch của họ thành công đến mức mà cơ quan tình báo phát xít Đức và thậm chí là cả Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức cũng hoàn toàn tin vào câu chuyện giả tạo này.

Để lừa cho quân Đức tin rằng cuộc đổ bộ lên Normandy chỉ là một chiến thuật nghi binh và hướng đổ bộ chính vẫn là khu vực Pas de Calais, quân đồng minh sắp xếp rằng vào ngày 5/6, Pujol sẽ thông báo cho phát xít Đức là anh sẽ chuyển một bức điện khẩn vào lúc 3 giờ ngày 6/6 (ngày diễn ra cuộc đổ bộ). Báo cáo này nêu rõ: Anh đã phát hiện số lượng lớn binh lính tại một địa điểm tập trung ở Southampton đang chuẩn bị di chuyển. Những người lính được phát vật dụng khi lên tàu, bao gồm cả túi dùng khi nôn mửa do say sóng, và tất cả mọi dấu hiệu cho thấy lực lượng đổ bộ đang sắp sửa tiến đến Pas de Calais. Vì thế, càng ngày Pujol càng chiếm được lòng tin của phát xít Đức.

Ngày 9/6, (ba ngày sau cuộc đổ bộ), Pujol gửi một bức điện cho người Đức. Bức điện rất dài và thông báo về cuộc họp giữa anh và các thành viên trong mạng lưới diễn ra vào ngày hôm đó. Qua bức điện này, Pujol muốn nhắc lại rằng mục đích chính của cuộc đổ bộ “nghi binh” lên Normandy là nhằm đảm bảo sự thành công cho cuộc đổ bộ thực sự của quân đồng minh sắp diễn ra ở Pas de Calais.

Phía Đức đồng ý với nhận định này. Do đó, chiến dịch Fortitude của quân đồng minh thành công hơn cả mong đợi. Kế hoạch nghi binh hoàn hảo đến mức trong cả tháng 7 và tháng 8, quân Đức bố trí hai sư đoàn thiết giáp và 19 sư đoàn bộ binh ở Pas de Calais để sẵn sàng đối phó với cuộc đổ bộ của quân đồng minh.

Tổng chỉ huy quân đội Đức, Nguyên soái Gerd von Rundstedt, tin vào những bức điện của Pujol đến mức ông ta đã gạt đi một đề xuất của Đại tướng Erwin Rommel là cho di chuyển các sư đoàn từ Pas de Calais đến Normandy. Cơ quan tình báo Anh trong Thế chiến II đánh giá: “Nếu có sự can thiệp của các sư đoàn này vào chiến trường Normandy, thì cán cân lực lượng có thể thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho quân đồng minh”. Nhưng rất may là đề xuất này của ông ta không được hưởng ứng.

Huân chương chữ thập sắt mà Hitler trao tặng cho Juan Pujol.

Nực cười thay, với người Đức, tiếng tăm của Pujol lại được nâng lên thông qua sự kiện này. Ngày 29/7/1944, người ta thông báo với anh rằng, anh được chính Hitler trao tặng huân chương Chữ thập sắt, vì “những đóng góp phi thường” cho nước Đức. Thông qua bức điện đáp từ, Pujol và Harris bày tỏ “những lời cảm ơn khiêm nhường” của Pujol trước một vinh dự mà anh thực sự “không xứng đáng”.

Tháng 9/1944, cơ quan tình báo Anh quyết định rút Pujol về tuyến sau, trong khi mạng lưới của anh vẫn tiếp tục hoạt động nhằm cung cấp các thông tin đánh lạc hướng quân Đức.

Cơ quan tình báo Anh quyết định giấu kín những chiến thuật mà họ đã sử dụng trong chiến dịch đánh lừa tình báo phát xít Đức, nhất là cách thức sử dụng điệp viên hai mang. Họ tìm cách bảo vệ Pujol trước bất kỳ nguy cơ báo thù nào của tình báo Đức; đồng thời, người Anh cũng hy vọng rằng, vị thế thuận lợi của Pujol sẽ cho phép anh tiếp tục thâm nhập vào đội ngũ phát xít Đức thời kỳ hậu chiến.
Tháng 12/1944, Pujol được trao tặng Huân chương MBA - huân chương cao quý nhất của Anh - để ghi nhận những cống hiến to lớn của anh đối với nước Anh. Pujol sau này chuyển đến sống ở Vênêxuêla và qua đời ở thủ đô Caracát vào năm 1988.

Khánh Chi (tổng hợp)