08:09 27/08/2011

Điệp khúc nhà nông

Tưởng rằng thời bao cấp đã qua, người dân không còn phải thấy cảnh xếp hàng mua bán. Nhưng không, cái cảnh này lại đang tái diễn ở tỉnh Trà Vinh. Có điều, không phải xếp hàng để mua mà là để… bán.

1. Tưởng rằng thời bao cấp đã qua, người dân không còn phải thấy cảnh xếp hàng mua bán. Nhưng không, cái cảnh này lại đang tái diễn ở tỉnh Trà Vinh. Có điều, không phải xếp hàng để mua mà là để… bán.

Số là, do nông dân Trà Vinh thả nuôi thời vụ và thu hoạch đồng loạt khiến lượng tôm tập trung vào các nhà máy chế biến trong tỉnh quá nhiều, tạo ra tình trạng ùn hàng. Và thế là, không những người nông dân phải xếp hàng, bốc số để được bán tôm nguyên liệu cho nhà máy mà còn bị bắt chẹt, ép giá; chỉ tính riêng ở huyện Cầu Ngang, bà con mới thu hoạch khoảng 60% sản lượng đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

2. Cũng trong thời điểm này, bà con ở Điện Biên đang ngao ngán vì… được mùa nhãn. Nhãn được mùa nhưng giá rớt thê thảm, bán 5.000 – 6.000 đồng/kg cũng chẳng ai mua nên nhiều người chẳng buồn thu hoạch. Nguyên nhân là năm nay long nhãn không có nơi tiêu thụ nên chẳng có ai mua nhãn để làm long; còn bán làm quà thì thị trường tại chỗ có hạn, cung vượt cầu quá lớn nên dội hàng.

3. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa trái cây của cả nước thì trong tháng 7 và đầu tháng 8, không chỉ các mặt hàng bình dân “cóc ổi” mà đến cả mặt hàng trái cây cao cấp cũng đồng loạt rớt giá thê thảm. Theo đó, trái chôm chôm Java chỉ bán được giá 3.000 đồng/kg, dưa hấu cũng chỉ dao động ở mức 2.000 đồng/kg, còn nhãn tiêu da bò chỉ còn 3.000 đồng/kg. Thậm chí hồi giữa tháng 7, ổi xuống giá còn 300 đồng/kg. Vì vậy có bà con nói rằng, với giá này, phải bán đến 70 kg ổi mới đủ tiền ăn được… tô hủ tiếu. Trong khi chi phí đầu tư 1 kg ổi lên đến 1.500 đồng; đó là chưa kể tiền hái và công chăm sóc…

4. Điệp khúc được mùa mất giá; còn khi nông dân thua thiệt giảm đầu tư nuôi trồng dẫn đến các nhà máy chế biến điêu đứng vì thiếu nguyên liệu phải nâng giá, tranh mua… mà nguyên nhân chính là do nuôi trồng theo cảm tính, theo phong trào, thiếu tính kế hoạch, thiếu điều tiết hợp lý trong khâu nuôi trồng lẫn khâu tiêu thụ, thiếu sự gắn kết giữa nhà nông và nhà máy… đã diễn ra nhiều năm nay và chưa hứa hẹn có hồi kết đã, đang và sẽ còn gây thiệt hại cho cả người nông dân cũng như các cơ sở chế biến. Điều nguy hại không phải chỉ là thiệt hại trước mắt, thiệt hại từng vụ, từng năm mà là cả ngành nuôi trồng cùng ngành công nghiệp chế biến cũng không thể phát triển ổn định, bền vững. Như thế thì còn nói gì đến việc xây dựng thương hiệu cũng như cạnh tranh trên thị trường thế giới.

5. Biết rồi… Khổ lắm… Nói mãi… Nhưng cái vòng luẩn quẩn này vẫn cứ trói chân cả nhà nông và nhà công. Vì vậy, rất cần một sự đột phá để thoát khỏi cái cảnh tự làm khó nhau này mà mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trong trồng lúa ở An Giang rất cần được học tập để mở rộng ra cả cây ăn quả và thủy sản. Bởi ở đó, điều quan trọng là có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân thay vì đối đầu như trước đây.

Tuệ Duyên