07:07 06/07/2016

Điện máy "tỉnh lẻ" cạnh tranh khốc liệt

Theo dự báo của Hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2016 có thể đạt doanh số 100 tỷ USD, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với nhiều xu hướng khác nhau.

Để cạnh tranh được trên thị trường, các doanh nghiệp đang lựa chọn các hướng phát triển khác nhau, thay vì cạnh tranh trực diện. Cụ thể, trong khi một số doanh nghiệp điện máy đi theo hướng mở đại siêu thị thì lại có doanh nghiệp mở những siêu thị mini. Có một điểm chung là các doanh nghiệp đang tìm về các thị trường tỉnh lẻ, thay vì các thành phố lớn.

Có thể dẫn chứng trường hợp của Điện Máy Xanh. Năm 2015, cái tên này bỗng nhiên được nhắc đến nhiều trên thị trường điện máy với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, vượt qua những tên tuổi đình đám một thời như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hòa…

Thị trường điện máy đang rất sôi động với nhiều chiều hướng cạnh tranh khác nhau.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân giúp thương hiệu này có thể nhanh chóng bứt phá và “qua mặt” nhiều đàn anh là doanh nghiệp này đi theo hướng phát triển các siêu thị quy mô vừa phải, hướng về các tỉnh lẻ, nhờ vậy dễ dàng mở rộng quy mô, dễ quản lý, vận hành đồng thời tối ưu chi phí kinh doanh.

Trung bình, một trung tâm của Điện Máy Xanh có diện tích rộng chỉ 800 – 1.000m2, trong khi diện tích chuẩn của một đại siêu thị điện máy là 4.000 – 5.000m2, thậm chí có thể lên tới 10.000m2. Ước tính, chi phí trung bình cho một trung tâm Điện Máy Xanh sẽ vào khoảng từ 6 – 10 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống.

Với cách đi này, Điện Máy Xanh dễ dàng phủ điểm trên địa bàn cả nước. Hiện tại doanh nghiệp này đang sở hữu hơn 100 siêu thị và hết năm 2016 sẽ có khoảng 150 siêu thị Điện Máy Xanh trên cả nước.

Đây là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp khác cũng lựa chọn. Cụ thể mới đây, một vài cửa hàng khai trương của Media Mart cũng chỉ có diện tích từ 700 – 1.500 m2, hay Điện máy Thiên Hòa phía Nam cũng đang chạy thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ, phát triển ở các tỉnh thành lân cận, các vùng nông thôn…

Trong khi đó, đối thủ của xu hướng mở siêu thị nhỏ này lại là xu hướng mở đại siêu thị. Chẳng hạn như cách làm của Điện Máy Trần Anh. Ông Ngô Thành Đạt – Giám đốc Marketing Hệ thống Điện máy – Máy tính – Điện thoại Trần Anh cho biết: "Từ nay đến cuối năm 2016, Trần Anh sẽ liên tiếp đưa vào hoạt động 12 đại siêu thị điện máy tại thị trường miền Bắc và miền Trung, nâng tổng số trung tâm điện máy trong hệ thống lên con số 35, đánh dấu sự có mặt của mình tại 21 tỉnh thành trên cả nước".

Với mô hình này, 12 siêu thị mới của Trần Anh đều có quy mô từ lớn đến rất lớn với diện tích từ 2.000 đến hơn 5.000m2. Vậy cách làm này liệu có đi ngược lại quy luật chung, khi mà việc huy động tài chính để mở các siêu thị lớn hiện rất khó khăn?

Theo phân tích của các chuyên gia thì hướng đi của điện máy Trần Anh không khó hiểu bởi chiến lược cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cần phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp đó.

Với Điện Máy Xanh, doanh nghiệp này đã tận dụng thế mạnh sẵn có từ tiềm lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm của chuỗi siêu thị điện thoại Thegioididong.com trước đây để bứt phá. Còn Điện máy Trần Anh, thế mạnh của doanh nghiệp này lại nằm ở sức mạnh về vốn lẫn bề dày kinh nghiệm quản trị khi hợp tác với đại gia điện máy Nojima của Nhật Bản – doanh nghiệp có tới hơn 60 năm trong nghề cùng hơn 600 siêu thị điện máy trải dài khắp đất nước Nhật Bản.

Ông Đạt lý giải: “Trong kinh doanh bán lẻ, yếu tố quan trọng nhất là mặt bằng. Trong khi các địa điểm to, đẹp tại các vị trí đắc địa không nhiều, nếu không nhanh chân sẽ rất dễ bị các doanh nghiệp khác lấy mất. Do vậy, Trần Anh cần đẩy nhanh tốc độ mở đại siêu thị tại các tỉnh, thành để chiếm mặt bằng tại các khu phố chính. Sau khi đã chiếm được những điểm chính thì việc mở các siêu thị cỡ nhỏ và vừa tại các thị trường ngách như các khu vực vùng ven đối với Trần Anh không phải là quá khó khăn”.

Tuy nhiên, dù lựa chọn theo cách làm nào thì các doanh nghiệp điện máy cũng đều phải đối mặt với những cái được và mất. Đi theo hướng quy mô nhỏ, điều Điện Máy Xanh nhận được là cắt giảm chi phí, sự linh hoạt, dễ quản trị…  Thế nhưng, để phù hợp với diện tích nhỏ thì các mặt hàng được Điện Máy Xanh bày bán cũng bị co nhỏ theo, hàng hóa ít đa dạng và không gian mua sắm bớt tiện nghi.

“90% mặt hàng tại Điện Máy Xanh sẽ chỉ tập trung vào nhu cầu phổ thông của khách hàng. Chúng tôi loại bỏ các mặt hàng không phổ thông và chỉ tập trung đa dạng hóa nhóm chủ lực”, đại diện chuỗi này cho biết.

Trong khi đó, với quy mô đại siêu thị, Trần Anh sẽ có nhiều diện tích để các hãng trưng bày Line up và phô diễn tất cả các công nghệ mới giúp khách hàng được trải nghiệm sản phẩm nhiều hơn, tiếp cận với đa dạng sản phẩm hàng hóa hơn, từ đó mua sắm hiệu quả hơn.

Hướng đi này của Trần Anh dù tạm thời chưa tạo ra ưu thế rõ ràng như Điện Máy Xanh nhưng có vẻ như nó sẽ mang lại lợi thế lâu dài so với đối thủ khi khách hàng ngày càng quan tâm tới chất lượng dịch vụ và các tiện ích đi kèm.

Rất khó để đánh giá hướng đi nào là thông minh hơn nhưng hai cách đi khác biệt này đang tạo nên thế đối trọng và giúp cho thị trường điện máy càng thêm sôi động.
Hoàng Dương