07:09 06/07/2011

Diện mạo nông thôn Thừa Thiên - Huế

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định vấn đề then chốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ hạ tầng giao thông và thủy lợi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 tỉ lệ này là 50 - 55%.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định vấn đề then chốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ hạ tầng giao thông và thủy lợi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 tỉ lệ này là 50 - 55%.

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình cho biết: Những năm qua, diện mạo sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân ở huyện Nam Đông nhanh chóng đổi thay bắt đầu từ sự đầu tư của Nhà nước và một phần huy động sức dân. Huyện Nam Đông đã nhựa hóa và bê tông hóa 79 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 8 cầu kiên cố, hệ thống giao thông đã thông suốt về tận thôn, bản, cụm dân cư, không bị ách tắc trong mùa mưa lũ như trước đây.

Công trình đường giao thông thôn Hợp Thành, xã A Ngo, huyện A Lưới xây bằng nguồn vốn 135. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng thêm 13 hồ đập kiên cố, kiên cố hóa 24 km kênh mương, đảm bảo tưới cho hơn 90% diện tích lúa nước. Các địa phương vận động nhân dân chuyển hẳn sang thâm canh lúa nước và hoa màu. Diện tích lúa nước đến nay gần 390 ha, năng suất bình quân hằng năm trên 50 tạ/ha. Sản lượng lương thực đạt 3.850 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 170 kg; giá trị thu nhập 1 ha đất canh tác đã đạt 18 triệu đồng, gấp đôi so với trước.

Tại huyện miền núi A Lưới, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông nông thôn. A Lưới hiện có điều kiện thuận lợi là tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn nối dài đến đâu, phố xá phát triển đến đó. Hệ thống giao thông với hàng trăm km đường bê tông, đường nhựa đến tận các thôn bản. Bà con đi chợ, người thân đến thăm nhau bằng xe đạp, xe máy, không còn phải băng rừng, lội suối. Giao thông đi trước một bước, hàng hóa thông thương, kinh tế hàng hóa phát triển đã góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện Nam Đông đã đưa cây cao su vào trồng trên tổng diện tích 3.538 ha, trong đó khoảng 900 ha đã cho khai thác mủ, bình quân mỗi ha thu nhập 35 triệu đồng. Kinh tế vườn với tổng diện tích 584 ha, thu nhập bình quân mỗi ha 23,5 triệu đồng. Ngành nông nghiệp huyện chú trọng đưa các loại rau, quả như bí đao, mướp đắng, ớt vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế trên 50 triệu đồng/ha. Diện tích rừng trồng kinh tế đến nay khoảng 4.300 ha, bình quân mỗi ha cho thu nhập 35 triệu đồng đã thật sự góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Huyện A Lưới đưa vào gieo cấy 841 ha lúa nước; có 1.000 hộ nhận khoán chăm sóc 384 ha cà phê. Sắp tới, A Lưới sẽ mở rộng diện tích cà phê nông hộ lên khoảng 1.000 ha. Gần đây nhất, Công ty TNHH M.TRADE (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã thống nhất với huyện A Lưới về dự án trồng 1.000 ha đất cao su theo hình thức đại điền và xây dựng nhà máy sơ chế, thu mua và đầu tư trồng cao su trên địa bàn.

Đối chiếu với 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Ngô Văn Chiến tự tin cho biết, phần lớn các địa phương trên địa bàn đạt 10 tiêu chí trở lên, cá biệt có nơi xấp xỉ đạt chuẩn. Từ nay đến năm 2015, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân mỗi năm trên 17%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 19 - 20 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6 - 7%.

Quốc Việt