03:08 15/03/2023

Diện mạo nông thôn mới trên quê hương cách mạng Sơn Dương

Sau hơn 11 năm thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quê hương cách mạng Sơn Dương (Tuyên Quang) đã có 13/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã chuẩn nông thôn mới  kiểu mẫu. Để đạt mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đang chung sức đồng lòng, nỗ lực xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Đường bê tông xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 

Phát huy vai trò của đảng viên

Sơn Nam là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Sơn Dương. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân, đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên… chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Sơn Nam đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, xã đã hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ao Xanh (xã Sơn Nam) Hứa Văn Lập luôn xác định, để vận động được người dân, mình phải gương mẫu thực hiện trước. Bằng sự chăm chỉ, cần cù trong lao động, anh Hứa Văn Lập đã trở thành tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở Sơn Nam. Từ chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh, buôn bán đại gia súc… gia đình anh Lập thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh đã đầu tư chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn. Gia đình anh là hộ đi đầu trong việc đóng góp, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tại thôn.

Noi theo gương lao động sản xuất giỏi của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hứa Văn Lập, nhiều hộ dân ở Ao Xanh đã tích cực phát triển kinh tế, chăn nuôi, quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Thôn Ao Xanh hiện có 110 hộ dân, trong đó 77% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Trước đây, Ao Xanh chỉ có gần 60% hộ dân có công trình vệ sinh đạt chuẩn, nay tỷ lệ này là trên 80%, trong đó 100% hộ gia đình đảng viên có công trình vệ sinh đạt chuẩn; 95% hộ gia đình có nhà xây kiên cố; trên 90% đường thôn đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại vận chuyển hàng hóa được thuận lợi; trên 95% kênh mương đã được kiên cố hóa, đảm bảo nước tưới tiêu, sản xuất cho người dân...

Ông Lê Văn Hà, Phó Bí Thư thường trực Đảng ủy xã Sơn Nam cho biết, xã có trên 2.500 hộ dân với hơn 10.300 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 29 chi bộ trực thuộc với 370 đảng viên. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là phát huy vai trò đi đầu, nòng cốt của đảng viên, phát huy tinh thần “đảng viên nêu gương trong việc khó”. Từ đó khơi sức mạnh của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất. Xã đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao… Nhờ đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Sơn Nam về đích đúng kế hoạch. Hạ tầng nông thôn tại xã ngày càng được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa đạt trên 70%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%; trên 99% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn; 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm.

Phấn đấu về đích đúng kế hoạch

Chú thích ảnh
Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 

Theo Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025, huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 30/30 xã; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã nôn thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Sơn Dương đang gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều nội dung, tiêu chí khó hơn trong khi xuất phát điểm khi xây dựng nông thôn mới của huyện còn thấp. Huyện có 7/30 xã đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội còn nghèo, đời sống của đa số nhân dân còn thấp, nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu đồng bộ, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được chưa đồng đều giữa các xã trong huyện...

Giải quyết những khó khăn trên, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó yêu cầu các phòng, ban liên quan, UBND các xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đồng thời tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng. Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sự chung tay, góp sức của người dân thực hiện các tiêu chí.

Đặc biệt, huyện tập trung thực hiện phong trào Ngày thứ Bảy tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Đề án số 02 của của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, ngày 23/5/2021 “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, lựa chọn các công việc cụ thể, lâu dài theo nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình...

Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, huyện Sơn Dương phấn đấu hết năm 2023 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60%), có một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Vũ Quang (TTXVN)