11:22 23/11/2015

Diện mạo mới ở huyện miền núi Tây Giang

Dọc theo những tuyến đường của huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có thể dễ dàng bắt gặp những bản làng của đồng bào các dân tộc được bố trí tập trung, với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, đang thực sự làm thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây.


Huyện Tây Giang có 10 xã, trong đó có 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Dân số của huyện khoảng 17.780 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ tu. Do địa hình đồi núi cao, có độ dốc lớn, nên trước đây bà con dân tộc ở các bản làng thường sinh sống phân tán trên những sườn núi cheo leo, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, huyện Tây Giang xác định việc cần làm đầu tiên là phải quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư. Ổn định được vấn đề này mới có thể đầu tư các công trình dân sinh, triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để có thể nâng cao đời sống người dân.

Quy hoạch dân cư để đầu tư phát triển.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp lại các bản làng thực sự là một “cuộc cách mạng” đối với chính quyền và nhân dân của huyện. Có rất nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai chủ trương này như việc phải di dời chỗ ở, đất sản xuất của số lượng lớn hộ dân; lựa chọn địa điểm tái định cư; nguồn vốn san ủi mặt bằng; bố trí khu vực sản xuất, chăn nuôi hợp lý…”.

Đối với địa hình miền núi hiểm trở như Tây Giang, việc san ủi mặt bằng để quy hoạch bố trí xây dựng điểm thôn phải mất ít nhất 3 tỷ đồng. Các điểm thôn mới ngoài việc đáp ứng tiêu chí phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào, còn phải được nghiên cứu đánh giá về địa chất, thổ nhưỡng, những tác động của thiên tai lũ lụt có thể ảnh hưởng… Khi việc quy hoạch, sắp xếp dân cư hoàn thành, chi phí đầu tư các công trình dân sinh về điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều.

Hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh được dẫn về tận làng bản.

Hiện nay, huyện Tây Giang đã hoàn thành xong việc bố trí sắp xếp lại dân cư tại 67/99 thôn, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017. Điểm nổi bật trong quy hoạch các điểm thôn mới ở huyện là các ngôi nhà của người dân vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Khu sản xuất và khu chăn nuôi được tách riêng biệt, không còn tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm ở ngay sát nhà như trước đây. Ở khu trung tâm của các thôn bản mới đều có những ngôi nhà gươl truyền thống. Hàng năm, huyện Tây Giang dành ngân sách đầu tư khoảng 200 triệu đồng để cùng với nhân dân sửa chữa, nâng cấp nhà gươl làm nơi sinh hoạt cho đồng bào.

Kết quả này cũng góp phần chấm dứt tình trạng du canh, du cư trên địa bàn huyện, những cánh rừng nguyên sinh được chính người dân tự giác bảo vệ. Những mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp trên những khu dân cư mới như trồng các loại cây thảo quả, cây ba kích, cây đẳng sâm, cây cao su, cây keo, cây gừng… đang hình thành theo hướng chuyên canh hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Huyện Tây Giang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành huyện miền núi nông thôn mới của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, bình quân mỗi xã của huyện đạt 9 tiêu chí, trong đó xã A Nông đã trở thành xã nông thôn mới năm 2014. Năm 2015, xã Lăng phấn đấu cán đích đạt xã nông thôn mới thứ 2 của huyện.
Bài và ảnh: Đỗ Trưởng