07:23 15/07/2012

Điền kinh Việt Nam tại Olympic 2012: Vượt lên chính mình

Điền kinh Việt Nam dự Olympic Luân Đôn có 2 gương mặt là Dương Việt Anh (nhảy cao) và Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ). Ở đấu trường đẳng cấp thế giới này, mục tiêu đặt ra với điền kinh Việt Nam là cọ xát, học hỏi, đưa ra những điều chỉnh và đầu tư đúng đắn thời gian tới.

Điền kinh Việt Nam dự Olympic Luân Đôn có 2 gương mặt là Dương Việt Anh (nhảy cao) và Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ). Ở đấu trường đẳng cấp thế giới này, mục tiêu đặt ra với điền kinh Việt Nam là cọ xát, học hỏi, đưa ra những điều chỉnh và đầu tư đúng đắn thời gian tới.

 

Thành công ban đầu

 

Dương Thị Việt Anh và Nguyễn Thanh Phúc (ảnh) là hai cái tên đã đi vào lịch sử môn điền kinh, khi có vé chính thức tham dự Olympic.


 

Trước đây, điền kinh Việt Nam chỉ đến sân chơi số 1 hành tinh này bằng vé mời, chứ chưa đủ trình độ để có thể cạnh tranh 1 vé bằng cửa chính như lần này. Nói thế để thấy, điền kinh Việt Nam đã có sự phát triển nhất định trong thời gian qua. Và điều đáng nói hơn, đây là 2/4 suất điền kinh của cả khu vực Đông Nam Á đến Olympic bằng cửa chính.


Tuy nhiên, như đã nói ở trên, điền kinh Việt Nam chỉ tham dự với tinh thần học hỏi. Việt Anh và Thanh Phúc là những VĐV xuất sắc nhất Đông Nam Á, nhưng hoàn toàn bé nhỏ khi tới sân chơi Thế vận hội. Những người làm công tác quản lý môn điền kinh đủ tỉnh táo để nhận ra, cơ hội tranh chấp huy chương, thậm chí là tốp 8-10 là hoàn toàn khó thực hiện.


Việt Anh lần đầu tiên nhảy qua mức xà 1m92, được xem là một tín hiệu vui với nội dung nhảy cao, trong bối cảnh điền kinh Việt Nam không còn nhiều gương mặt đủ tầm thế giới. Với mức xà 1m92, Việt Anh dù có cố gắng lắm cũng chỉ lên được 1m94 hay thậm chí là giữ được thành tích mà cô đã đoạt chuẩn B cũng là một thành công tại Olympic sắp tới. Để cạnh tranh tấm HCĐ, thành tích phải ở mức khoảng 2m, đó là thành tích ngoài tầm với của các VĐV Việt Nam như Việt Anh Trong khi đó ở môn đi bộ, Thanh Phúc được chờ đợi sẽ tiếp tục mang tới một nghị lực phi thường trong thi đấu, hơn là cơ hội huy chương. Dù là VĐV duy nhất ở môn đi bộ của Đông Nam Á góp mặt tới Olympic, nhưng rõ ràng là Thanh Phúc chưa đủ tầm để có thể cạnh tranh 1 tấm huy chương. Trưởng bộ môn điền kinh (TC TDTT) Dương Đức Thủy cho biết: “Ngoài việc phấn đấu vượt qua thành tích tốt nhất của mình, đây sẽ là cơ hội để Việt Anh và Thanh Phúc học hỏi các đối thủ hàng đầu thế giới, để tự hoàn thiện mình”.

 

Tính chuyện lâu dài


Với hai tấm vé chính thức tham dự Olympic này, điền kinh được xem là hoàn thành chỉ tiêu. Thế nhưng, niềm vui của điền kinh nước nhà đã không trọn vẹn bởi những gương mặt được đầu tư nhất, được kỳ vọng nhất, lại không đạt kết quả như mong muốn. Cả Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, là hai VĐV chủ lực của điền kinh Việt Nam suốt gần 1 thập kỷ qua, đều không có mặt.


Trương Thanh Hằng từng vượt qua mức chuẩn B ở nội dung 800m, còn Vũ Thị Hương cũng làm được điều tương tự ở nội dung 100m sở trường của mình. Thế nhưng, chuyến tập huấn tại Đức với kinh phí vài tỷ đồng đã phá sản hoàn toàn và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cả hai không thể giành suất chính thức. Đáng tiếc cho cả hai bởi đây chính là kỳ Olympic cuối của sự nghiệp và nếu họ được định hướng nghiêm túc từ những kế hoạch tập huấn, chữa trị chấn thương, thi đấu ở các giải vòng loại... có lẽ giờ điền kinh đã có thể có nhiều hơn 2 tấm vé.


Sau Olympic, sẽ tới SEA Games 27. Một bài toán đặt ra ngay với điền kinh Việt Nam lúc này là cần phải làm thế nào để phát huy được hết thế mạnh, dựa trên những tài năng sẵn có. Nếu không, chỉ một vài năm nữa, những nhân tố hiện tại nghỉ thi đấu, điền kinh Việt Nam thậm chí ở sân chơi khu vực, cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn.


Lâm Lâm