08:09 24/08/2011

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011: Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng

Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình THQG trong giai đoạn tới. Với ý nghĩa này, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2011, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với báo Tin Tức tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011...

Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình THQG trong giai đoạn tới. Với ý nghĩa này, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2011, hôm nay (24/8), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011 với chủ đề tọa đàm “Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng”.
Tham dự diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội, có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia (THQG), Ban Thư ký Chương trình THQG, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, lãnh đạo 43 doanh nghiệp (DN) được lựa chọn tham gia Chương trình THQG; đại diện Hiệp hội ngành hàng, đại diện trên 200 DN và các chuyên gia có uy tín về thương hiệu, marketing...

Cạnh tranh bằng thương hiệu

Trước tác động nhiều chiều trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã sớm được đặt ra, thực hiện và đóng góp quan trọng vào sự phát triển thương mại - dịch vụ nước nhà. Tuy vậy, với nhiều lý do cả khách quan từ thực trạng nền kinh tế cũng như hoàn cảnh của từng DN, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu chưa đạt kết quả như mong muốn.

Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: gạo, tiêu, cà phê, thủy sản... Mỗi năm, Việt Nam cũng xuất khẩu hàng chục tỷ USD về các sản phẩm công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép... Thế nhưng, thương hiệu Việt vẫn được biết đến rất ít ở thị trường thế giới. Không những thế, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới...

Theo nhiều ý kiến phân tích, sở dĩ thương hiệu Việt vẫn còn lép vế vì các DN Việt Nam chủ yếu là DN quy mô nhỏ và vừa, lại rất ít kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, do tập quán kinh doanh, nhiều DN chưa quan tâm đến bán hàng có thương hiệu của riêng mình. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước đã khó mà khẳng định tên tuổi ở thị trường nước ngoài càng khó hơn vì sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam còn phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác.

Phát triển thương hiệu ngành hàng

Từ năm 2008, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại khởi động Chương trình THQG (Vietnam Value). Qua hai lần xét chọn DN tham gia chương trình vào thời điểm năm 2008 và năm 2010, đến nay, 43 DN đã có các thương hiệu sản phẩm/dịch vụ được lựa chọn tham gia Chương trình THQG.

Theo các chuyên gia kinh tế, một thương hiệu mang tầm quốc gia sẽ tạo ra rất nhiều lợi ích phát triển cho đất nước và DN. Với thương hiệu mang tầm quốc gia, DN sẽ có điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị phần trong và ngoài nước. Hơn nữa, bản thân việc xây dựng THQG không chỉ có tính thương mại trực tiếp, mà là xây dựng một hình ảnh, làm sao cho hình ảnh đó được định hình trong tâm trí công chúng nói chung và trong người tiêu dùng. Tuy nhiên, cả giới DN và các thành viên của Hội đồng xây dựng THQG đều cho rằng, việc xây dựng THQG đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực, không thể là chuyện một sớm một chiều.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, để tiến ra thị trường thế giới, để khẳng định với thế giới rằng chúng ta có những sản phẩm hàng hóa uy tín, chất lượng cao, các DN trong nước cần có một chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đúng đắn. Theo đó, cần xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Chương trình THQG chủ trương xây dựng hình ảnh thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam gắn với các giá trị “Uy tín chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết: "Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình THQG trong giai đoạn tới. Chương trình THQG sẽ tập trung hỗ trợ DN và thông qua các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh để xây dựng nhãn hiệu tập thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển thương hiệu cạnh tranh của ngành; hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tiếp cận các nguồn tài trợ, dự án và chương trình hợp tác kỹ thuật của nước ngoài liên quan đến phát triển thương hiệu”.

Ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu không thể chỉ là “mạnh ai, nấy làm”. Nếu có sự liên kết giữa các DN và các hiệp hội ngành hàng cộng với sự điều hành, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của báo chí - truyền thông, các DN sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Thu Hường