12:01 01/12/2011

Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ

Ngày 30/11, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ đã khai mạc tại Busan, Hàn Quốc với sự tham dự của 250 đại biểu là các lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển.

Ngày 30/11, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ đã khai mạc tại Busan, Hàn Quốc (ảnh) với sự tham dự của 250 đại biểu là các lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển đến từ 150 nước, 60 tổ chức quốc tế (như UNDP, ADB, UNESCO, UNICEF) và hơn 400 đoàn thể, tổ chức xã hội. Đây là hội nghị cấp cao nhất, quy mô lớn nhất thế giới về lĩnh vực này. Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Lee Miêng Bac đã tới dự và phát biểu.

Phát biểu tại phiên khai mạc, các đại biểu (Tổng thống Rwanda Paul Kagame, Hoàng hậu Jordan Rania Al Abdullah, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao  và Thương mại Hàn Quốc Kim Sung Hwan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon…) đều nhận định Diễn đàn Busan lần này được xây dựng dựa trên những thành tựu và bài học nhằm đẩy nhanh quá trình đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 và thảo luận về một khuôn khổ hợp tác mới một cách hiệu quả. Các đại biểu bày tỏ hy vọng hội nghị lần này tại Busan sẽ đạt được mục tiêu hướng tới việc thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu mới và tìm kiếm các phương án cụ thể nhằm hỗ trợ thiết thực cho các nước đang phát triển.

Ông Angel Gurria Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khẳng định vấn đề hiệu quả viện trợ ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội trên thế giới. Tiếp theo kết quả của 3 lần hội nghị trước, lần này Busan là điểm đến quan trọng với những hy vọng mới, niềm tin mới. Các kinh nghiệm, những sáng kiến được chia sẻ tại đây sẽ là chất liệu quí và là nguồn động lực hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo của chúng ta trong nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển có những hướng đi mới, phương án tốt hơn trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư. Những người dân ở các nước này sẽ có một cuộc sống tốt hơn, trẻ em sẽ được hưởng môi trường thuận lợi hơn trong giáo dục và phát triển.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Những thách thức của mỗi quốc gia đã trở thành những thách thức chung của thế giới, vì vậy chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức đó. Đề cập đến kinh nghiệm phát triển, Tổng thống cho biết, Hàn Quốc đã thành công trong quá trình phát triển đất nước, kể cả vượt qua những giai đoạn khó khăn như năm 1997. Tôi tin vào chìa khóa thành công là sức mạnh của giáo dục, giáo dục giúp phát triển một con người, một đất nước và cả thế giới. Tôi tin vào sự liên kết toàn cầu sẽ tạo nên một thế giới cùng phát triển".

Nhấn mạnh về việc các quốc gia cần tiếp tục thực hiện viện trợ theo những cam kết ban đầu, Tổng thống khẳng định, trong 4 năm tới (đến 2015, Hàn Quốc sẽ nâng tổng giá trị viện trợ ODA lên gấp 2 lần.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả viên trợ như: đánh giá chính sách hợp tác phát triển khu vực Thái Bình Dương; Đổi mới chính sách viện trợ và tiếp nhận viện trợ; Phương pháp tiếp cận hợp tác phát triển các nước châu Á; ODA với giáo dục quốc tế: từ ước mơ đến sự phát triển; Phương pháp viện trợ phát triển hiệu quả đối với thanh thiếu niên; vấn đề bình đẳng giới trong quá trình phát triển…

Trong khuôn khổ Hội nghị còn có hơn 50 chương trình bên lề được tổ chức nhằm thiết lập mô hình viện trợ phát triển mới và quan hệ đối tác toàn cầu; các Diễn đàn nghị viện, Diễn đàn tư nhân, Diễn đàn thanh thiếu niên, đặc biệt là chương trình dành cho đại biểu nữ với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton.


Đỗ Quyên