05:22 02/05/2012

Điện Biên viết trang sử mới

Trên mảnh đất cách đây 58 năm là bãi chiến trường với ngổn ngang vết bom đạn cày xới, cánh đồng Mường Thanh chằng chịt bánh xe xích, hố bom… nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nơi từng là chiến trường xưa nay đã đổi thay hoàn toàn với những màu xanh của đồng ruộng, rừng núi và những ngôi nhà khang trang...

Trên mảnh đất cách đây 58 năm là bãi chiến trường với ngổn ngang vết bom đạn cày xới, cánh đồng Mường Thanh chằng chịt bánh xe xích, hố bom… nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nơi từng là chiến trường xưa nay đã đổi thay hoàn toàn với những màu xanh của đồng ruộng, của rừng núi và những ngôi nhà khang trang đã chứng tỏ dược cuộc sống ngày càng no đủ của đồng bào các dân tộc, nhờ vào những chủ trương, quyết sách đúng đắn; nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước với mảnh đất lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đổi thay vượt bậc

Bức tranh cuộc sống mới tươi sáng hơn của những bản làng Điện Biên hôm nay ngoài sự quan tâm của cả nước là sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ và các tầng lớp nhân dân Điện Biên để chiến thắng cái đói, cái nghèo; cải tạo chiến trường bom đạn 58 năm trước thành bờ xôi, ruộng mật, bản làng trù phú.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Tô Hợp

Ông Mùa Giống Ca, bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) hớn hở khoe: Dân bản Nà Pen giờ không còn lo đói nghèo nhiều nữa rồi. Có con đường mở vào tận bản, cầu treo bắc qua suối, người trong bản nuôi được con gà, con lợn hay trồng được cây lúa, cây ngô đã có thể chở thẳng ra chợ trung tâm xã hay xa hơn là về thành phố Điện Biên Phủ để bán. Nếu như trước đây, trồng cây gì, nuôi con gì cũng chỉ tự cấp, tự túc thì nay nông sản làm ra đã trở thành hàng hóa, đem đi trao đổi thuận tiện. Đời sống của người dân cụm 4 bản Nà Pen cũng nhờ đó mà khá lên.

Đứng từ đỉnh Nà Pen nhìn xuống, cụm 4 bản Nà Pen nằm xen kẽ dưới tán cây rừng. Mái nhà đã được cứng hóa bằng mái ngói, mái tôn hay mái prô xi măng, thật khó tìm được mái gianh. Cụm bản Nà Pen gồm 157 hộ, 874 nhân khẩu nay đã có trên 60% số hộ làm được nhà kiên cố, nhiều hộ đã trở nên khá, giàu nhờ chăn nuôi, trồng trọt và khoanh nuôi bảo vệ rừng… Được Đảng, Nhà nước quan tâm từ hỗ trợ máy móc, vay vốn, người dân Nà Pen đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám dai dẳng. Bộ mặt nông thôn Nà Pen nói riêng và Điện Biên nói chung đã đổi thay từng ngày nhờ chính sách phù hợp của Đảng và sự đồng thuận, quyết tâm của người dân.

Nhiều gia đình ở Tỏa Tình, Tuần Giáo trồng thảo quả làm giàu. Ảnh: Tiến Dũng

Những bản làng trù phú như Nà Pen đang “mọc lên” ngày càng nhiều trên mảnh đất lịch sử năm xưa. Cái đói, cái nghèo trước đây đã và đang bị đẩy lùi dần cùng với dấu ấn bom đạn, chiến tranh. Người Điện Biên đang viết tiếp trang sử vẻ vang trên mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ chừng dăm bảy cây số, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ cũng đang chuyển mình bằng việc đánh thức tiềm năng từ đất đồi, vườn rừng. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Lê Chí Thiết và chị Cà Thị Xuyến đã xây dựng thành công mô hình vườn đồi rừng, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện, với 6.000m2 ao cá, 2 ha tre Bát Độ… vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, gia đình anh chị giờ đã trở thành điển hình tiên tiến của xã, của thành phố; là địa chỉ tham quan, học tập của không ít bà con trong vùng. Vườn rừng nhà anh chị không chỉ nuôi cá, nuôi gà mà còn phục vụ cả khách du lịch thích thưởng ngoạn du lịch sinh thái ven thành phố.

Bằng việc xác định hướng đi đúng thông qua những chính sách và nghị quyết cụ thể, phù hợp cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, những năm qua, bức tranh kinh tế xã hội Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Từ một địa phương phải thường xuyên trông chờ sự hỗ trợ lương thực từ Trung ương thì nay hạt gạo Điện Biên đã đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân và còn bay xa, vươn xa cả nước. Các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, thay đổi diện mạo vùng đất lịch sử bom đạn năm xưa và cũng để thay đổi, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên mảnh đất này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Viết tiếp trang sử mới

Khó khăn dù chưa hết, nhưng hơn nửa thập kỷ qua, người Điện Biên đã quyết tâm vươn lên, xây dựng cuộc sống mới trên nền mảnh đất bom đạn cày xới năm xưa.

Theo đó, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu dài hạn từ nay đến năm 2020, bình quân tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp xây dựng đạt 18%. Nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong tổng GDP trên địa bàn từ 34% hiện nay lên khoảng 40% vào năm 2020, trong đó công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60% giá trị gia tăng trong nội bộ khu vực công nghiệp, xây dựng. Đến năm 2020, về cơ bản, Điện Biên có một nền công nghiệp vững chắc với cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện và tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời có khả năng cạnh tranh cao.

Trong năm 2012, tỉnh Điện Biên đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, đề án, kế hoạch; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo; thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; duy trì tốc độ phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tạo chuyển biến rõ nét về các mặt văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Thống kê về phát triển trong những tháng đầu năm của tỉnh Điện Biên cũng cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng của tỉnh trong quý I/2012 vẫn duy trì được đà tăng trưởng đối với nhiều sản phẩm, ngành nghề với tốc độ tăng trưởng đạt 12,77% trong cơ cấu GDP.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh bổ sung vốn đầu tư phát triển năm 2012 từ nguồn vốn kết dư có mục tiêu. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư các dự án chuẩn bị đầu tư thuộc kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2012. Theo thống kê, đến hết quý I/2012, giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt 168.967 triệu đồng, tăng 12,45% so với thực hiện cùng kỳ năm trước và đạt 21,92% kế hoạch. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại tăng tới 12,29%; cơ sở cá thể chiếm tỷ trọng 66% tổng giá trị ngành công nghiệp, tăng 14,61%.

Đối với hoạt động xây dựng, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có kế hoạch đầu tư tập trung, có trọng tâm; trọng điểm theo đúng quy hoạch và tính chất của nguồn vốn, đảm bảo cân đối nguồn lực cho các dự án; thời gian bố trí vốn theo đúng quy định, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tránh chồng chéo, phát huy cao nguồn lực đầu tư.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành công nghiệp và xây dựng năm 2012, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, chính quyền Điện Biên đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong quý II.

Cụ thể, cần đẩy nhanh việc xây dựng chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tiến độ triển khai quy hoạch các cụm công nghiệp; đưa vào tổ chức thực hiện các dự án khuyến công địa phương năm 2012 đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, chú trọng triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó thực hiện nghiêm túc về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.

Ngoài ra, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc kế hoạch năm 2012, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu thanh toán vốn. Đẩy nhanh công tác quy hoạch phát triển sản xuất, giao đất sản xuất; rà soát và giải quyết việc làm cho các hộ dân sau tái định cư tại thị xã Mường Lay.

Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án thuộc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh huyện Mường Nhé...

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy sản xuất và tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thủy điện trong mùa khô.

Hà Anh