03:00 04/03/2020

Diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày 3/3

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, với việc số ca nhiễm mới và tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các "tâm dịch" ngoài Trung Quốc là Hàn Quốc, Iran và Italy vẫn ở mức cao.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Sáng 3/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc xác nhận 125 ca nhiễm virus SARS-Cov-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 31 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục trong ngày 2/3. Theo ủy ban trên, tất cả trường hợp tử vong đều xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc. Trong  125 ca nhiễm mới có 114 ca ở tỉnh Hồ Bắc tâm dịch. Như vậy, tính đến hết ngày 2/3, tổng cộng có 80.151 ca nhiễm bệnh COVID-19 và 2.943 ca tử vong đã được xác nhận tại Trung Quốc đại lục.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo gia tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này là người Trung Quốc từ nước ngoài về nước. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc ghi nhận 13 trường hợp mang virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài về Trung Quốc đại lục.

Trong bối cảnh đó, thành phố Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ những trường hợp nói trên. Theo đó, hàng trăm hành khách từ Hàn Quốc tới Trung Quốc đã được cách ly từ tuần trước sau khi có người trên hai chuyến bay có triệu chứng sốt. Đến nay, chưa có trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, những người từ vùng dịch tới Bắc Kinh sẽ tự cách ly trong 14 ngày.

Cùng ngày, giới chức thành phố Đan Đông giáp giới Triều Tiên thông báo tất cả mọi đối tượng không phân biệt quốc tịch, từ nước ngoài đến thành phố này đều phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, một quan chức Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết thành phố này sẽ yêu cầu mọi người từ các nước có dịch đến Thượng Hải đều phải cách ly 14 ngày. Tỉnh Quảng Đông cũng đã thông báo áp dụng các quy định tương tự.

Tại Hàn Quốc, chiều 3/3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này đã có thêm 374 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó, tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc tăng lên 5.186 ca. Cho tới nay đã có 28 người tử vong do COVID-19 tại nước này. Hiện đã có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc những thủ tục cách ly với các du khách đến từ Hàn Quốc.

Tại Italy, quốc gia đang là tâm dịch ở châu Âu, tính đến 18 giờ ngày 2/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo tổng số ca dương tính với COVID-19 tại Italy là 1.835 trường hợp và 50% số ca nhiễm mới đều không có triệu chứng của bệnh. Theo thống kê, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy là 52 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tại Iran, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã ra lệnh cho quân đội nước này hỗ trợ các cơ quan y tế để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng. Đại giáo chủ cũng kêu gọi người dân tuân thủ và thực hiện theo những khuyến cáo của nhà chức trách nước này nhằm tránh bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh.

Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi ngày 3/3 thông báo đã có thêm 835 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này và thêm 11 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca nhiễm tại Iran hiện nay là 2.336 ca và 77 ca tử vong.

Iran hiện là nước có số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục. Đáng chú ý, 23 nghị sĩ Iran đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chức Ukraine ngày 3/3 xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này. Bệnh nhân này là nam giới, nhập viện tại thành phố Chernivtsi từ ngày 29/2. Bệnh nhân từ Italy quá cảnh Romania đến Ukraine.

Chú thích ảnh
Người dân được đưa tới khu vực cách ly ở Kharkiv, Ukraine, ngày 20/2/2020, sau khi sơ tán từ vùng tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số nước như Nhật Bản, Singapore, CH Séc cũng đã ghi nhận các ca nhiễm mới trong ngày 3/3.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đang diễn biến phức tạp với việc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Liên minh châu Âu (EU) từ mức vừa phải lên mức cao, EU đã tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu tuyên bố đã nhất trí kích hoạt cơ chế "Ứng phó Khủng hoảng chính trị hợp nhất" (IPCR). Điều này sẽ cho phép EU tập trung vào các lỗ hổng quan trọng trong viêc ứng phó với dịch bệnh, cũng như để Ủy ban châu Âu hỗ trợ đưa ra quyết định nhanh chóng. Bên cạnh đó, các nước láng giềng như Anh, Thụy Sĩ, hay các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể sẽ được mời tham gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan rất nhanh. Vì vậy, 5 cao ủy của EC sẽ phối hợp sát sao để đối phó hiệu quả với dịch, tập trung vào 3 mặt trận chính là y tế, giao thông và kinh tế.

Về phần mình, Nghị viện châu Âu (EP) đã quyết định hạn chế khách đến thăm trong 3 tuần tới, coi đây như một trong các biện pháp cẩn trọng nhằm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch hành động ứng phó với dịch COVID-19 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 39 ca. Kế hoạch hành động này bao gồm nội dung khuyến nghị các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại; cân nhắc đóng cửa trường học, hạn chế việc tụ tập đông người. Bộ Nội vụ Anh có trách nhiệm hỗ trợ các công dân nước ngoài không thể trở về vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trong khi đó, giới chức Pháp đã đóng cửa khoảng 120 trường học ở những khu vực xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Toàn bộ trường học cấp 1 và cấp 2 tại tỉnh Oise, phía Bắc thủ đô Paris, đã cho học sinh nghỉ học hoàn toàn. Đây là khu vực dịch bệnh bùng phát mạnh và là địa phương ghi nhận 2 trường hợp tử vong do COVID-19 mới đây. Việc đóng cửa các trường học tại tỉnh này đã ảnh hưởng đến 35.000 học sinh.

Hiện số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Pháp đã lên tới 191 ca, trong đó có 3 ca tử vong. Pháp cũng đã quyết định hủy toàn bộ các chuyến đi của học sinh ra nước ngoài và cấm mọi hoạt động tụ tập trên 5.000 người tại không gian kín.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được triển khai tới khu vực phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại Crepy-en-Valois, Pháp, ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ đã ra khuyến cáo đình chỉ tất cả thị thực thông thường và thị thực điện tử được cấp từ ngày 3/3 về trước đối với các công dân Italy, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, những người chưa nhập cảnh Ấn Độ, với hiệu lực tức thì. Ngoài ra, khuyến cáo cũng đình chỉ thị thực cửa khẩu với các công dân của Nhật Bản và Hàn Quốc chưa nhập cảnh Ấn Độ. Những người cần thiết phải đến Ấn Độ vì những lý do cấp bách có thể xin cấp thị thực mới từ sứ quán/lãnh sự quán Ấn Độ gần nhất.

Các nhà ngoại giao, quan chức Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế, những người sở hữu thẻ công dân của Ấn Độ và phi hành đoàn không nằm trong diện hạn chế trên. Tuy nhiên, những người này phải quét thân nhiệt trước khi nhập cảnh.

Trong khi đó, Chính phủ Philippines đã quyết định cho phép người dân nước này tới Hàn Quốc, ngoại trừ các vùng dịch ở tỉnh Bắc Gyeongsang sau khi đình chỉ tạm thời hoạt động đi tới Hàn Quốc trong tuần qua, căn cứ trên đánh giá tình hình dịch bệnh.

Cũng trong ngày 3/3, Bộ Y tế Sri Lanka cũng đã thông báo tất cả các hành khách từ Italy, Iran và Hàn Quốc đến nước này đều phải tham gia cách ly 14 ngày để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, các hành khách sử dụng phương tiện tàu thuyền sẽ không được lên bờ. Hiện Sri Lanka ghi nhận 18 ca nghi nhiễm bệnh COVID-19.

Do lo ngại dịch bùng phát, Lào đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 11 dự kiến diễn ra tại tỉnh Xieng Khuang, miền Bắc nước này từ ngày 22/3 - 1/4.

Đặng Ánh (TTXVN)