09:12 21/09/2020

Diễn biến COVID-19 đáng lo ngại toàn thế giới, 73 nước có số ca mắc tăng vọt

Theo tờ New York Times, ít nhất 73 quốc gia có số ca mắc COVID-19 hàng ngày tăng vọt. Ở những khu vực mà mùa đông đang đến gần, các chuyên gia ngày càng lo lắng về diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Thế giới đang hứng chịu hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Toàn thế giới đã có trên 965.000 người tử vong tính tới sáng 21/9, trong đó Mỹ chiếm gần 200.000 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 13/9. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi đã khiến số ca mắc tăng vọt ở nhiều nước và giảm xuống trong giai đoạn phong tỏa, đại dịch COVID-19 đã tới thời điểm diễn biến khó lường. Liệu số ca mắc mới ở những nước như Mỹ có tiếp tục giảm trong những tháng tới hay sắp xảy ra một đợt tăng mới?

Bà Catherine Troisi, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas (Mỹ) nói: “Chuyện gì sẽ xảy ra, không ai biết. Virus này đã khiến chúng ta bất ngờ trên nhiều mặt và chúng ta có thể sẽ bất ngờ lần nữa”.

Ở Mỹ, trong những tuần từ cuối tháng 7 tới nay, số ca mắc COVID-19 mới đã giảm dần sau khi bùng phát mạnh đầu tiên ở vùng đông bắc và tiếp đó ở miền nam và miền tây.

Nhưng trong những ngày gần đây, số ca mắc hàng ngày ở Mỹ lại tăng, khiến nhiều người lo ngại virus sẽ trỗi dậy mạnh khi các trường học mở cửa lại và khi mùa đông tới khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn. Một số nhà dịch tễ học lo sợ đây có thể là một mùa đông thảm khốc.

Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ giờ đã gần bằng dân số ở thành phố Akron, bang Ohio; gấp nhiều lần số binh lính Mỹ chết trong chiến tranh. Hàng ngày, vẫn có khoảng 800 người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, mỗi ngày có trên 90.000 ca mắc mới, khiến Ấn Độ có thêm 1 triệu ca bệnh từ đầu tháng 9 tới nay, nâng tổng số ca vượt 5 triệu.

Tại châu Âu, sau khi phong tỏa đã giúp giảm nhẹ khủng hoảng trong mùa xuân, virus lại một lần nữa càn quét châu lục này khi người dân tiếp tục cuộc sống thường nhật.

Ở Israel, gần 1.200 người đã chết vì COVID-19, khiến nước này buộc phải phong tỏa lần thứ hai vào tuần trước. Israel là một trong vài nước ít ỏi thực hiện biện pháp này.

Khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất lan khắp thế giới, các chính phủ đã hạn chế hoạt động di chuyển của người dân quyết liệt: Có thời điểm, trên 4 tỷ người phải ở nhà phòng dịch. Giờ đây, phần lớn quốc gia đang tìm cách tránh phải áp dụng biện pháp nghiêm ngặt như vậy.

Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, nói: “Chúng ta đối mặt với tình hình rất nghiêm trọng phía trước. Số ca hàng tuần giờ đã vượt quá số ca tại thời điểm đại dịch đạt đỉnh lần đầu ở châu Âu hồi tháng ba”.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Khắp khu vực Mỹ Latinh, số người chết đã lên tới trên 310.000 người. 2/3 trong số đó tới từ hai quốc gia là Brazil (trên 132.000 ca tử vong) và Mexico (trên 72.000 ca tử vong).

Tiến sĩ Carissa F. Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ, cảnh báo mối đe dọa vẫn còn đó. Bà nói: “Mỹ Latinh đã bắt đầu nối lại cuộc sống xã hội gần như bình thường vào thời điểm mà COVID-19 vẫn đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng ta phải ý thức rõ rằng mở cửa quá sớm sẽ khiến virus có cơ hội lây lan và khiến người dân gặp rủi ro lớn hơn”.

Mặc dù năng lực của các hệ thống y tế có thể khác nhau ở mỗi nước, nhưng phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn virus xâm nhập nhà dưỡng lão và các nhóm người dễ bị tổn thương, điều trị tốt cho bệnh nhân sẽ giúp giảm số bệnh nhân cần máy thở.

Khi cuộc đua sản xuất vaccine vẫn chưa có hồi kết, COVID-19 chưa có thuốc đặc trị.

Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins, dự báo số người chết ở Mỹ có thể lên 300.000 người nếu người dân ngừng cảnh giác.

Trong một ngày tuần trước, Mỹ có 849 ca tử vong, nhưng ở Italy, con số này chỉ là 13, cả Canada và Đức cũng chỉ có 7 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác tại bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, có một số nhân tố mới khiến diễn biến COVID-19 sẽ khó lường. Thời tiết lạnh sẽ khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao giờ hết vì cùng ở chung trong không gian kín. Mùa cúm hàng năm đang tới cũng sẽ khiến hệ thống y tế thêm áp lực. Nỗ lực ngăn chặn virus lây lan tại trường học cũng không biết có thành công không.

Nhiều người cho rằng tỷ lệ tử vong ở học sinh, sinh viên nhiễm virus sẽ thấp hơn. Đúng như vậy, nhưng nếu những học sinh, sinh viên này lây virus cho các thầy cô giáo, thành viên gia đình, hàng xóm thì họ sẽ gây ra các ổ dịch nguy hiểm. Trong thực tế, tại Mỹ, virus đang lây lan nhanh ở những nơi có ổ dịch bùng phát trong trường đại học.

Thùy Dương/Báo Tin tức