07:16 24/07/2015

Điểm mặt "anh em" của Trái Đất ngoài Hệ Mặt trời

Tính đến tháng 7/2015, tàu vũ trụ Kepler của NASA đã tìm thấy 4 hành tinh có nguyên lý hoạt động giống Trái Đất, khi phát hiện chúng xoay quanh một sao chủ giống Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời.

Ngày 23/7, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố tìm ra được một hành tinh sinh đôi với Trái Đất ngoài hệ Mặt trời. Hành tinh Kepler - 452b nằm cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng.


4 hành tinh có nguyên lý hoạt động xoay quanh một sao chủ giống Trái Đất.

Tàu không gian Kepler - một đài quan sát vũ trụ của NASA phát hiện ra hành tinh Kepler 452b sinh đôi với Trái Đất.


Tính đến tháng 7/2015, đội ngũ tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất của NASA đã tìm thấy 4 hành tinh có nguyên lý hoạt động giống Trái Đất. Điều này có nghĩa là các hành tinh đó đều xoay quanh một ngôi sao chủ và có khoảng cách nằm trong vùng Goldilock zone (Vành đai xanh - nơi có thể tồn tại sự sống).


Vào tháng 12/2011, Kepler-22b là hành tinh đầu tiên được tàu vũ trụ Kepler của NASA phát hiện nghi ngờ có khả năng tồn tại sự sống. Kepler-22b cách Trái Đất 600 năm ánh sáng và có bán kính gấp Trái Đất 2,4 lần. Nếu như Kepler-22b chịu tác động của hiệu ứng nhà kính thì nhiệt độ bề mặt trung bình sẽ đạt khoảng 22 độ C.


Theo như dữ liệu nghiên cứu, chu kỳ để hành tinh Kepler-22b quay hết 1 vòng quanh sao chủ mất 290 ngày.


Cũng trong tháng 12/2011, các nhà tìm kiếm tiếp tục phát hiện thêm hành tinh Kepler-20e xoay quanh một sao chủ. Tuy nhiên theo ước tính của các nhà khoa học, khoảng cách của cả Kepler-20e lẫn Kepler-20f đều quá gần với sao mẹ nên nước và bầu khí quyển không thể tồn tại trên bề mặt hành tinh. Một năm của hành tinh Kepler-20e chỉ kéo dài 6 ngày và nhiệt độ trên bề mặt hành tinh có thể cao lên tới 760 độ C. Thậm chí do khoảng cách quá gần nên lực hút tương tác giữa Kepler-20e và sao chủ khiến núi lửa trên bề mặt hành tinh hoạt động liên tục ngày đêm.


Mới đây, vào tháng 4/2014, Kepler-186f là hành tinh đầu tiên có kích thước bằng Trái Đất xoay xung quanh sao chủ có khoảng cách nằm trong Vành đai xanh. Việc phát hiện ra hành tinh Kepler-186f được coi là một bước tiến vĩ đại trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Kích thước của Kepler-186f chỉ hơn kém 10% so với "Hành tinh xanh", song địa chất cấu tạo vẫn chưa được xác định. Kepler-186f mất 130 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh sao chủ, và nhận được nguồn năng lượng chỉ bằng 1/3 năng lượng Trái Đất nhận từ Mặt trời.


Trong phát hiện mới nhất, hành tinh được coi là giống nguyên bản Trái Đất nhất - Kepler-452b mất 385 ngày để quay quanh quỹ đạo của sao chủ, tương đồng với chu trình 365 ngày để Trái đất quay quanh Mặt trời.


Hồng Hạnh (tổng hợp)