01:11 06/01/2016

Điểm lại những lần thử hạt nhân thành công của Triều Tiên

Dưới đây là danh sách những lần thử hạt nhân thành công của CHDCND Triều Tiên trong lịch sử.

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

2015 - lần thử hạt nhân trước thềm kỷ niệm sinh nhật lãnh đạo Kim Jong-un


10h30 sáng (giờ địa phương) ngày 6/1, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri (Triều Tiên) 49 km. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc sau khi phân tích quy mô và tâm chấn của trận động đất cho rằng Bình Nhưỡng “có khả năng” đã tiến hành một vụ thử hạt nhân. Vài giờ sau “trận động đất nhân tạo” gần bãi thử Punggye-ri, trong một thông báo đặc biệt phát trên truyền hình nhà nước, Triều Tiên khẳng định đã thử thành công bom hydro.


2006 – lần thử hạt nhân đầu tiên


Lần thử hạt nhân đầu tiên của quốc gia này được tiến hành vào ngày 9/10/2006 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, còn được biết đến là P'unggye-yok. Trong lần thử này, chính phủ Triều Tiên đã cho nổ một thiết bị dựa vào chất plutoni, thay vì uranium đã làm giàu. Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng đó không phải là một quả bom lớn, vì chỉ có đương lượng nổ (sức công phá) dưới 1 kiloton – bằng 1/10 sức mạnh quả bom nguyên tử rơi xuống phá hủy toàn bộ thành phố Hiroshima (Nhật Bản).


2009 – lần thử thứ hai


Quả bom trong lần thử hạt nhân thứ 2 vào ngày 25/5/2009 được được nhận xét mạnh hơn đợt đầu tiên. Bộ quốc phòng Nga ước tính đương lượng nổ của quả bom lần này nặng 20 kiloton – bằng kích cỡ các quả bom mà Mỹ dội xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Mặc dù Triều Tiên không đưa ra chi tiết địa điểm tiến hành lần thử này, song các quan chức Hàn Quốc phát hiện những cơn địa chấn nhỏ quanh khu vực phía đông bắc thành phố Kilju, gần Punggye-ri.


2013 – lần thử thứ ba


Một cơn địa chấn bất thường đã được ghi nhận tại Punggye-ri vào ngày 12/2/2013. Ngay sau đó, hãng thông tấn Triều Tiên đã đưa tin khẳng định quốc gia này thành công thử nghiệm buổi phóng thiết bị hạt nhân. Lần thử hạt nhân này tiếp tục là bằng chứng khẳng định tham vọng của Bình Nhưỡng là sản xuất đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để có thể nằm khít tên lửa đạn đạo tầm xa.


Hồng Hạnh (theo BBC)