08:11 10/08/2019

Điểm dân cư gắn kết chốt dân quân biên giới - Bài 2: Biên giới lòng dân

Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định việc xây dựng thế trận “biên giới lòng dân”, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng biên giới, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Chú thích ảnh
Năm hộ gia đình dân quân thường trực, quân nhân dự bị nhận Quyết định sở hữu nhà ở tại Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). 

Giải quyết nhu cầu thực tế

Các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 7 là những địa bàn chiến lược, trọng điểm vùng phía Nam của Tổ quốc, với hơn 615 km đường biên giới tại 3 tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, tiếp giáp với các tỉnh Mondulkiri, Kratie, Tbong Khmum, Svay Rieng, Pray Veng của Campuchia.

Do lịch sử và điều kiện tự nhiên nên đoạn biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7 nhiều nơi chưa có dân cư sinh sống, kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí thấp, nhận thức chính trị, pháp luật còn nhiều hạn chế.

Đứng tại Chốt dân quân biên giới Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết chỉ tay về phía rặng cây “đánh dấu” ranh biên giới, cho biết: Ngay sau rặng cây đó là đất Campuchia và người dân Campuchia ở sát ngay gần ranh biên giới. Trong khi bên Việt Nam, Chốt dân quân biên giới đơn độc giữa cánh đồng, cách nơi dân ở tới 4 km.

Qua nghiên cứu thực địa cho thấy, phần lớn các chốt, đồn biên giới nằm trên tuyến biên giới thuộc địa bàn Quân khu đều xa khu dân cư, vì thế thiếu các điều kiện hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường giao thông, dẫn đến những khó khăn nhất định cho người dân sinh sống tại khu vực này. Tình hình thực tế đòi hỏi cần thiết có biện pháp khuyến khích, tạo tiền đề xây dựng các Cụm dân cư trên toàn tuyến biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới.

Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm, năm 2018, dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn Quân khu 7 (Long An, Tây Ninh, Bình Phước) có 59 chốt dân quân hiện hữu, trong đó 17 chốt đã có khu dân cư liền kề sinh sống ổn định. Với việc Quân khu quyết định bổ sung thêm 5 chốt dân quân thì toàn tuyến biên giới của Quân khu 7 có tới 47 chốt dân quân chưa có khu dân cư liền kề (trong vòng bán kính 2 km).        

Đầu tháng 4/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định triển khai Đề án xây dựng Điểm dân cư biên giới liền kề Chốt dân quân biên giới với mục tiêu củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững quốc phòng an ninh khu vực biên giới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Đề án, Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 cho rằng, việc triển khai xây dựng các Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới nhằm hình thành lực lượng tại chỗ, làm chỗ dựa vững chắc, hỗ trợ lực lượng dân quân, biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Mô hình kiểu mẫu

Biên giới là phên dậu quốc gia, biên giới có hòa bình, ổn định thì đất nước mới phát triển được. Việc xây dựng các Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới, hướng tới việc tạo thế liên hoàn, hỗ trợ, tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia; là tâm điểm dân cư sinh sống tại biên giới, để nhân dân tự quản đường biên, cột mốc; mỗi người dân là một cột mốc sống trấn giữ biên cương.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Bí thư huyện Châu Thành và Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 trao Quyết định sở hữu và bàn giao căn nhà tại Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ cho vợ chồng dân quân Huỳnh Văn Hữu.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7, qua khảo sát thực tế tại biên giới, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định sẽ xây dựng 34 Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới tại 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Long An. Mười ba Chốt dân quân biên giới còn lại chưa thể xây dựng Điểm dân cư liền kề, do chưa kết nối được hạ tầng, đảm bảo điện, nước, công trình phúc lợi xã hội khó khăn, chưa đạt được phương án khả thi đảm bảo cuộc sống cho người dân khi sinh sống tại khu vực cận kề Chốt dân quân biên giới, sẽ được Quân khu và chính quyền địa phương nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới.

Triển khai Đề án, ngày 25/4/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức khởi công xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới Bến Cừ - điểm dân cư đầu tiên trong Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới của Quân khu 7. Ngay sau đó, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc triển khai Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới tại Bến Cừ, ngày 30/5, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đồng loạt khởi công triển khai Đề án tại hai tỉnh Long An và Bình Phước. 

Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, Long An, gồm 5 căn nhà cấp 4. Quân khu 7 hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng/căn, UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng/căn, phần còn lại do địa phương tự cân đối ngân sách và gia đình đóng góp. Trong khi đó, Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, được xây dựng với 5 căn nhà cấp 4, diện tích 72 m2/căn. Chi phí đầu tư mỗi căn 120 triệu đồng, trong đó Quân khu 7 hỗ trợ 90 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng.

Tỉnh Tây Ninh là địa phương xây dựng nhiều Điểm dân cư biên giới nhất trong Đề án và cũng là nơi triển khai, khánh thành Điểm dân cư đầu tiên của Đề án xây dựng Điểm dân cư biên giới liền kề Chốt dân quân biên giới. Tỉnh Tây Ninh hiện có 32 Chốt dân quân được bố trí xen kẽ giữa các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới dài 240 km. Trong những năm qua, hoạt động của các điểm dân quân biên giới đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Trữ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Ninh, tình hình thực tế tại vùng biên giới cho thấy, để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh tại vùng đất biên giới thì cần có lực lượng tại chỗ. Việc xây dựng Điểm dân cư biên giới sẽ phần nào giải quyết được bài toán về lực lượng tại chỗ, bởi có dân thì sẽ có quân, có lực lượng.

Việc triển khai thành công Đề án trên thực tiễn sẽ tạo tiền đề, cơ sở quan trọng, bài học kinh nghiệm để các cấp, ngành tiếp tục bố trí dân cư tuyến biên giới, tăng cường lực lượng, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./. 

Bài 3: Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Bài, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)