11:09 26/11/2020

Diego Maradona - Tượng đài bóng đá bất tử 'đời' nhất

Những sai lầm có làm suy giảm đi những gì Maradona cống hiến, nhưng vẻ đẹp hiện ra từ những xáo trộn khiến ông trở nên "đời" hơn: Bóng tối dường như làm sắc nét thêm ánh hào quang quanh ông.

Chú thích ảnh
Dieogo Maradona cùng đội tuyển Argentina đoạt Cúp vàng vinh quang tại World Cup 1986. Ảnh: AP

Ngày mà Diego Maradona xuất hiện lần cuối trên sân cỏ vào đầu tháng 3 năm nay, giọng nói của ông như vỡ vụn và tâm trí ông trôi dạt về những lỗi lầm quá khứ, những cái giá mà ông đã phải trả. “Tôi đã mắc sai lầm và tôi đã trả giá, nhưng trái bóng không bao giờ có thể bị vấy bẩn", huyền thoại gắn với chiếc áo số 10 rơi lệ phát biểu trên sân vận động Bombonera (Buenos Aires, Argentina). 

Trong khoảnh khắc thừa nhận thất bại của mình, ông đã không tìm kiếm sự giải thoát. Thay vào đó, tất cả những gì ông yêu cầu là môn thể thao mà ông say mê và thành thạo, môn thể thao mà ông đã soi sáng, đã nâng lên thành nghệ thuật, và không bị lu mờ bởi tất cả những gì ông gây ra.

Diego Armando Maradona, người vừa qua đời ngày 25/11 ở tuổi 60, có lẽ là cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất từng khiến mọi người phải nín thở, cho dù ông cũng là đề tài của những cuộc tranh luận sôi nổi và không khoan nhượng. Tuy vậy, điều khó có thể tranh cãi là không có cầu thủ nào khác ngoài Maradona từng truyền cảm hứng cho sự tận tâm mãnh liệt như vậy.

Có điều gì đó gần như một sự sùng bái mang tên Maradona ở Napoli, thành phố cảng Italy mà ông đã biến thành trung tâm của vũ trụ bóng đá trong những năm huy hoàng ở đỉnh cao sự nghiệp. Thị trưởng Napoli hôm 25/11 đã đề nghị đổi tên sân vận động có câu lạc bộ cũ của ông, Napoli, thành Maradona. Đặc ân đó cho tới nay chỉ thuộc về Thánh Paul.

Tại Argentina, quê hương của Maradona - nơi vừa tuyên bố để ba ngày quốc tang ông- từ lâu đã có một nhà thờ để vinh danh huyền thoại bóng đá thế giới này. Không thể phủ nhận đối với nhiều người, Maradona là một trải nghiệm gần như mang tính tôn giáo.

Chú thích ảnh
Maradona tại Liên hoan phim Cannes năm 2008. Ảnh: Reuters

Nhưng Maradona không phải là một biểu tượng thuần khiết.

Ông đã phải vật lộn với chứng nghiện ma túy trong nhiều thập kỷ. Ông bị loại khỏi World Cup trong ê chề sau khi xét nghiệm dương tính với chất kích thích. Những rắc rối về sức khỏe ập đến với ông, minh chứng cho một cuộc sống vô độ.

Trong đời sống gia đình, Maradona đã không thừa nhận con trai mình, Diego, trong nhiều năm. Sau này, ông trở nên ghẻ lạnh với vợ cũ, Claudia Villafañe, và với hai con gái Giannina và Dalma. Ngoài ra, còn có những cáo buộc ông bạo hành gia đình đối với một bạn gái cũ; sở hữu súng và liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Maradona không bao giờ né tránh việc thừa nhận rằng ông đã mắc sai lầm, ngay cả khi ông không thể ngăn chặn chúng.

Những sai sót có làm suy giảm đi những gì Maradona cống hiến, nhưng vẻ đẹp hiện ra từ những xáo trộn khiến ông trở nên "đời" hơn: Bóng tối dường như làm sắc nét thêm ánh hào quang của ông.

Chú thích ảnh
Maradona càn quét hàng phòng ngự của Anh năm 1986 để ghi một trong những bàn thắng nổi tiếng nhất trong lịch sử World Cup. Nhưng chỉ vài phút trước đó, ông đã ghi một trong những bàn thắng khét tiếng nhất. Ảnh: AFP/Getty Images

Ba mươi hai năm trước khi Maradona được sinh ra, nhà văn vĩ đại người Argentina Borocotó - biên tập viên của tạp chí thể thao uy tín El Gráfico – đã gợi ý đất nước nên dựng một bức tượng cho cái gọi là “pibe”: đứa trẻ đường phố có khuôn mặt bụi bặm với “đôi mắt lừa tình”, “bờm tóc dựng ngược như chiếc lược”và“ ánh mắt lấp lánh”, không chỉ đại diện cho nền văn hóa bóng đá của Argentina mà còn là hình ảnh của một quốc gia.

Maradona rõ ràng là hình ảnh lý tưởng của một “pibe”, từ những kỹ năng điêu luyện và sự tinh ranh nóng nảy. Ông đã "nắm bắt" được tinh thần của Borocotó và biến nó thành bất tử hơn bất kỳ cầu thủ nào khác, không chỉ khi còn là một thiếu niên sôi nổi với hè phố, mà trong suốt sự nghiệp của mình.

Tất cả những hình ảnh mang tính biểu tượng của Maradona đều là tượng đài cho tinh thần của một “pibe”: nhảy lên cao hơn Peter Shilton, thủ môn đội tuyển Anh trong bàn thắng được ghi bởi “bàn tay của Chúa” (tứ kết World Cup 1986); rồi vài phút sau đã vượt qua 6 cầu thủ đội tuyển Anh để ghi "bàn thắng thế kỷ" - cú ghi bàn khiến bình luận viên Victor Hugo Morales tuyên bố Maradona là "sao chổi từ bầu trời"; hay đối mặt với toàn bộ đội tuyển Bỉ trong một bức ảnh mà nỗi sợ hãi đều hiện cả lên những gương mặt đối thủ.

Chú thích ảnh
Maradona trong pha ghi bàn bằng "bàn tay của Chúa" ở trận tứ kết Argentina - Anh tại World Cup 1986. Ảnh: Getty Images

Dù bay cao đến đâu, Maradona cũng không bao giờ lạc khỏi cội nguồn của mình; ông là một “pibe” khi mới nổi, nhưng cũng là một “pibe” khi gần như một tay kéo Argentina đến World Cup năm 1986, và trở lại trận chung kết bốn năm sau đó. Ông là một “pibe” khi được Barcelona biến thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh và khi đưa Napoli đi đến không phải một, mà là hai chức vô địch Serie A.

Maradona là một “pibe” – cậu bé đá bóng đường phố Argentina - ngay cả khi ông chinh phục thế giới. Đó là vinh quang và cũng là sự sụp đổ của ông. Rốt cuộc, làm thế nào mà một cậu bé “chưa bao giờ lớn” lại có thể đương đầu với thế giới mà cậu đặt chân đến, với sự kỳ vọng và đòi hỏi, với sự thần tượng và cám dỗ? 

Chú thích ảnh
Huyền thoại Diego Armando Maradona trong áo đấu Boca Juniors năm 2001. Ảnh: New York Times

Bản thân Maradona không bao giờ bào chữa cho những sai lầm của mình, mặc dù điều đó không đồng nghĩa với chuộc lỗi. Như ông đã nói với nhà làm phim Emir Kusturica vào năm 2008, ông tự chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình đã làm, dù tốt và xấu. Nhưng ông cũng biết, một lúc nào đó phải vạch ra ranh giới giữa một Maradona-người và Maradona-cầu-thủ.

Di sản của ông là một di sản phức tạp: một cá nhân xuất sắc, gặp khó khăn, một người phải chịu đựng nỗi đau nhưng cũng gây ra nó; một cậu bé và sau đó là một người đàn ông sụp đổ và rạn nứt dưới áp lực của một hoàn cảnh mà anh ta không có công cụ để tồn tại.

Chú thích ảnh
Maradona gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican năm 2014. Ảnh: EPA

Nhưng ý nghĩa từ sự nghiệp của Maradona thì đơn giản hơn. Maradona gói gọn một lý tưởng, ông mê đắm một quốc gia, ông biến một trò chơi đơn thuần thành một loại hình nghệ thuật. 

Bản thân Maradona luôn coi bóng đá là sự cứu rỗi, sự giải thoát của mình. Năm 2005, trong một giai đoạn ngắn ngủi với tư cách là một nhân vật truyền hình, ông đã được hỏi về những gì ông muốn khắc lên bia mộ mình. “Cảm ơn bóng đá”, Maradona đáp, “Đó là môn thể thao mang lại cho tôi niềm vui lớn nhất, sự tự do lớn nhất. Nó giống như chạm vào bầu trời bằng tay của bạn. Cảm ơn trái bóng”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times, Goal)