04:14 09/04/2011

Dịch vụ dầu khí: Chật vật vì cơ chế bất cập

Mặc dù chiếm 50% tỷ trọng nhưng một doanh nghiệp tầm cỡ nhất của Việt Nam như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD) cũng chỉ kiếm được 195/690 triệu USD; phần còn lại của “chiếc bánh” dịch vụ khoan dầu khí năm 2010 đã “rơi” vào túi các nhà thầu nước ngoài.

Mặc dù chiếm 50% tỷ trọng nhưng một doanh nghiệp tầm cỡ nhất của Việt Nam như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD) cũng chỉ kiếm được 195/690 triệu USD; phần còn lại của “chiếc bánh” dịch vụ khoan dầu khí năm 2010 đã “rơi” vào túi các nhà thầu nước ngoài. Thực tế này cho thấy cạnh tranh đã rất khốc liệt ngay cả khi “cánh cửa” WTO với thị trường dịch vụ vẫn còn mở hẹp!

Mấu chốt vẫn là năng lực

Được xếp vào hàng doanh nghiệp lớn về khoan dầu khí nhưng PVD cũng mới chỉ có 6 trên 17 giàn khoan đang hoạt động tại Việt Nam; trong đó số giàn khoan PVD tự đầu tư chỉ là 3 giàn, còn lại vẫn phải thuê của nước ngoài.

Chế tạo giàn khoan dầu khí "Chim Sáo" tại Tổng công ty PTSC.


Tương tự như vậy, trong lĩnh vực dịch vụ kho nổi chứa xuất dầu thô (không kể Liên doanh dầu khí Vietsovpetro) thì hai doanh nghiệp hàng đầu khác là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và TCT Vận tải Dầu khí (PV Trans) cũng mới sở hữu và đồng sở hữu được 8 kho đang hoạt động tại Việt Nam. Trong lĩnh vực dịch vụ tàu cho thuê, cho dù đã thống lĩnh tới 90% thị trường nhưng năng lực thực sự của PTSC vẫn hạn chế bởi PTSC chỉ sở hữu 22 tàu trong khi vẫn phải thuê lại 25-30 tàu. Vì vậy, gần như độc quyền thị trường tàu dịch vụ nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong lĩnh vực này của PTSC mới chỉ đạt 30%.

Không chỉ khó cạnh tranh về tiềm lực cơ sở vật chất phương tiện, các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí Việt Nam cũng khó lòng cạnh tranh được giá cả với các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng Giám đốc PVD Phạm Tiến Dũng cho biết: Hiện nhiều nhà thầu quốc tế có giàn khoan công nghệ lạc hậu được đóng cách đây khoảng 25 năm đang đổ xô vào thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật chưa khắt khe như Việt Nam. Với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, PVD gặp bất lợi trong cạnh tranh bởi ngay cả khi chấp nhận xuống mức giá gần như không có lãi là 110.000 USD/ngày thì vẫn cao hơn tới 30.000 USD/ngày so với mức giá các nhà thầu ngoại chào. Khó khăn càng tăng thêm bởi với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Việt Nam, các đơn vị sử dụng dịch vụ khó có thể đánh giá hết được chất lượng dịch vụ giàn khoan, hiệu suất sử dụng và độ an toàn của giàn khoan.

Nhìn nhận về những hạn chế này, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng cho hay: 3 giàn khoan của PVD tự đầu tư có công nghệ hiện đại nên dù giá dịch vụ cao hơn bên ngoài nhưng dễ dàng cạnh tranh vì hiệu suất sử dụng cũng rất cao. Còn các giàn khoan đi thuê thì khó cạnh tranh hơn bởi công nghệ và hiệu suất hạn chế.

Yếu thế do cơ chế chính sách bất cập

Với mục tiêu doanh thu từ dịch vụ dầu khí sẽ chiếm khoảng 35% tổng doanh thu toàn Tập đoàn vào năm 2015, PVN đang triển khai quyết liệt, đồng bộ 10 nhóm giải pháp; trong đó tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ; thực hiện tái cơ cấu lại các nguồn lực theo hướng tập trung chuyên sâu theo ngành nghề chính nhằm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là khi mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó nâng cao được sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại nếu không có sự hậu thuẫn thích hợp của Nhà nước.

Đại diện PVD cho hay: Theo quy định của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư nước ngoài, các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam chỉ phải chịu thuế 10% của 50% doanh thu. Vì vậy, cho dù không được khấu trừ thuế đầu vào nhưng trên thực tế các doanh nghiệp này chỉ phải chịu 5% thuế VAT đầu ra. Trong khi đó, một doanh nghiệp nội như PVD được trừ thuế đầu vào nhưng lại phải chịu thuế VAT 10% trên tổng đầu ra. Tính chi li, PVD vẫn phải trả 8,75%, thiệt hơn doanh nghiệp “ngoại” khoảng 3,75%.

Không chỉ thua thiệt do một quy định của Luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế, các doanh nghiệp Việt còn kém lợi thế so với doanh nghiệp ngoại do Việt Nam vẫn chưa chủ động tận dụng hết các lợi thế được hưởng theo các cam kết trong WTO để nâng cao sức cạnh tranh. Cụ thể, các nhà làm luật hoàn toàn có quyền ban hành các quy định hạn chế đối với “Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng” (CSS) vì các hạn chế này không hề vi phạm cam kết WTO. Với cam kết về dịch vụ khai thác mỏ (CPC883), Việt Nam có toàn quyền dành các dịch vụ gồm: Cung ứng vật tư, thiết bị, hóa phẩm cho giàn khoan xa bờ, dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyển cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, do chúng ta vẫn bỏ ngỏ các “cửa chặn” cần thiết nên các nhà thầu nước ngoài có thể “thoải mái” mang lao động sang Việt Nam làm việc như hiện nay.

Trong khi đó, các nước xung quanh như Malaixia, Inđônêxia hay như Angiêri... đều có chính sách bảo hộ quyền sử dụng lao động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí; trong đó không cho phép sử dụng lao động nước ngoài, chỉ cho phép sử dụng rất ít nhân sự cao cấp. Vì vậy, PVD buộc phải thuê phần lớn lao động nước sở tại khi làm việc tại giàn khoan ở Angiêri với mức lương rất cao; PTSC phải thông qua Petronas Licence cung cấp dịch vụ khi hoạt động tại Malaixia. Đây chính là những bất lợi không đáng có cho doanh nghiệp Việt Nam trong mở cửa cạnh tranh, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Thiết nghĩ, Nhà nước ta cần nhanh chóng ban hành hoặc sửa đổi những văn bản pháp luật đã lạc hậu với thực tế để hỗ trợ các doanh nghiệp dầu khí nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung khi hoạt động ngay tại "sân nhà".

Nguyễn Kim Anh