05:18 27/05/2019

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh ở nhiều địa phương

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp với các ổ dịch mới phát sinh. Do đó, các địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) vừa mới công bố thêm 3 xã trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 26/5/2019, huyện Chư Pưh đã tiêu hủy gần 400 con lợn bệnh của 77 hộ dân.

Ngay khi có tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, chiều 24/5, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Gia Lai đã trực tiếp xuống vùng dịch, tổ chức cuộc họp khẩn chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Chư Pưh. 

UBND tỉnh Gia Lai cũng ra công điện khẩn số 07/CĐ-UBND chỉ đạo UBND huyện Chư Pưh huy động nguồn lực địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ngay ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan trên diện rộng. Vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện 5 không:  “Không dấu dịch; không mua bán, không vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.” Hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động triển khai công tác khử trùng, tiêu độc, vệ sinh môi trường bằng vôi bột nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

Năm 2019, tổng đàn gia súc toàn huyện Chư Pưh  có hơn 61.000 con trong đó số lượng lợn là hơn 26.100 con, tập trung tại 5 trang trại lớn tại xã Chư Don và hàng nghìn hộ chăn nuôi cá thể trên địa bàn huyện.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngày 27/5, ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Hà cho biết, huyện đang tích cực triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn huyện.

Trước đó (ngày 24/5), người dân xã Thạch Lạc huyện Thạch Hà phát hiện xác hàng chục con lợn chết đựng trong bì đã bốc mùi hôi, thối trôi trên kênh N9 chảy qua địa bàn xã. Người dân đã báo lên chính quyền địa phương biết để có phương án giải quyết.

Ngay sau đó, huyện Thạch Hà phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành trục vớt toàn bộ 27 con lợn chết đựng trong bao tải ở lòng kênh N9 lên, tiến hành đào hố chôn, tiêu độc khử trùng tại khu vực này theo đúng quy định trong quy trình chống dịch. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan Cục Thú y vùng III (Vinh - Nghệ An) và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình trạng đó,  huyện Thạch Hà đã tiến hành lập chốt kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn bán vận chuyển động vật ngày tại xã Thạch Lạc, Thạch Hội; đồng thời, làm lưới ngăn, chắn rác trên kênh N9 không cho rác thải, hay xác động vật trôi về phía cuối nguồn. 

Cùng với đó, huyện Thạch Hà triển khai các biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là các xã cuối kênh N9 (các xã bãi ngang vùng biển); tuyên truyền, người dân sử dụng nguồn nước tưới trên kênh N9 đúng quy định, không được tắm, giặt hay lấy nước vệ sinh chuồng trại chăn nuôi từ kênh dẫn nước này. 

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở thị trấn Thiên Cầm và thị trấn Cẩm Xuyên thuộc huyện Cẩm Xuyên. Chính quyền địa phương các cấp đang khẩn trương bao vây khống chế dịch và tuyên truyền cho người dân không được vứt lợn chết bừa bãi ra đồng ruộng, kênh dẫn nước tránh lây nhiễm dịch bệnh trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn thành phố Đồng Xoài,  tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

Tại tỉnh Bình Phước, sau huyện Đồng Phú, thì thành phố Đồng Xoài cũng đã công bố dịch tả lợn châu Phi. Theo đó dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn các phường Tân Phú, Tân Đồng và Tiến Thành từ ngày 10 đến 23 tháng 5 năm 2019. Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan trong vùng bán kính 3km và đang đe dọa đến hai địa bàn gồm xã Tân Thành và phường Tân Thiện.

Tính đến ngày 27/5, tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tiêu hủy 165 con lợn bệnh nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 3 phường Tân Phú, Tân Đồng và Tiến Thành với tổng trọng lượng 8.895 kg.

Để chủ động phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh yêu cầu Ban chỉ đạo cấp huyện, thị cần bổ sung lực lượng vũ trang vào Ban chỉ đạo; chủ động mua sắm trang thiết bị chống dịch, mua máy chích điện để xử lý lợn bệnh cũng như chủ động chuẩn bị chỗ chôn lấp lợn bệnh. Qua báo cáo cho thấy, phương án xử lý dịch tại các địa phương còn lúng túng.

UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu khi  phát hiện lợn chết trong vùng có dịch tiến hành tiêu hủy luôn không cần xét nghiệm mẫu. Mức hỗ trợ cho đàn lợn bị tiêu hủy bằng 80% giá thành trên thị trường.

Về quản lý nhà nước tạm ngưng cấp phép xây dựng các cơ sở giết mổ để chờ điều chỉnh quy hoạch cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các địa phương nhanh chóng ký hợp đồng có thời hạn với lực lượng thú y xã, phường để tập trung xử lý dịch. Kinh phí được lấy từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng xử lý tại khu vực chôn lấp lợn bị bệnh. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Trong khi đó, tính đến ngày 27/5, toàn tỉnh Vĩnh Long phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi, qua đó lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 153 con lợn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh. Các ổ dịch được phát hiện thuộc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi lợn rừng ở thành phố Vĩnh Long, huyện Mang Thít và huyện Long Hồ. Trước tình hình dịch diễn ra phức tạp, tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các huyện còn lại trên địa bàn.

Thực hiện chức năng kiểm soát nguồn lợn ra, vào tỉnh Vĩnh Long thông qua tuyến Quốc lộ 1, trong những ngày qua Trạm Kiểm dịch động vật Mỹ Thuận (thành phố Vĩnh Long) tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các phương tiện chở lợn qua địa bàn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng bố trí các chốt kiểm dịch tại nơi có ổ dịch để tăng cường tiêu độc sát trùng, kiểm tra lâm sàng các phương tiện chở lợn lưu thông qua.

Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Mỹ Thuận Nguyễn Bá Tuấn cho biết, đối với các phương tiện chở lợn lưu thông qua trạm đều được thực hiện tiêu độc sát trùng, kiểm tra lâm sàng. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi bệnh thì sẽ lấy mẫu để xét nghiệm. Đối với những trường hợp cố tình vượt trạm thì đơn vị phối hợp với các ngành chức năng chặn bắt. Nếu không có giấy kiểm dịch, không có hồ sơ nguồn gốc đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý, trường hợp lợn có dấu hiệu bệnh sẽ cho lấy mẫu xét nghiệm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tùng cho biết, chi cục đã khuyến cáo người chăn nuôi ngưng ngay việc sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín vì đây được đánh giá có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các cơ sở chăn nuôi cần thực hiện tiêu độc khử trùng, giám sát không cho người không có trách nhiệm ra vào khu vực chăn nuôi, không nên lui tới những cơ sở chăn nuôi khác để hạn chế mầm bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người; khuyến cáo người tiêu dùng không nên "tẩy chay" thịt lợn, nên tìm mua thịt lợn ở những địa điểm kinh doanh uy tín và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/5, cả nước có 44 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 1,7 triệu con.

Tường Vũ -Hồng Điệp- Dương Chí Tưởng -Lê Thúy Hằng (TTXVN)