08:16 27/08/2019

Dịch tả lợn châu Phi có xu hướng lây lan

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai, hiện dịch đang lây lan trên địa bàn với tốc độ rất nhanh.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có trên 3.200 hộ chăn nuôi thuộc 122 xã, phường của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với trên 309.000 con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. 

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đàn trên 2,5 triệu con. Tuy nhiên do dịch tả lợn châu Phi, đến nay tổng đàn lợn của Đồng Nai giảm xuống còn 1,9 triệu con.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện nay đàn lợn nái trên địa bàn còn khoảng 230.000 con, giảm hơn 100.000 con so với thời điểm trước dịch. Ông Nguyễn Kim Đoán lo ngại với việc người dân giảm đàn để “chạy dịch” như hiện nay thì phải mất thời gian rất lâu người chăn nuôi mới có thể tái đàn.

Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho hay, số lượng lợn tiêu hủy đến nay khoảng hơn 16.000 tấn. Trong khi đó, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai mới chi hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh số tiền 42,7 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đến thời điểm này là hơn 400 tỷ đồng.

Với tốc độ lây lan dịch và số lượng lợn tiêu hủy rất lớn như hiện nay, trong khi nguồn quỹ dự phòng của địa phương cho công tác phòng chống dịch bệnh hiện đã hết. UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang xin cấp 800 tỷ đồng từ quỹ dự phòng chi phòng chống dịch tả lợn châu Phi của trung ương để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân trên địa bàn có lợn bị tiêu hủy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thông báo hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng do lơ là chủ quan nhiều xã tái phát dịch trở lại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến nay, địa bàn tỉnh có 60 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, trong 60 xã, phường nói trên có 3 xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh; Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba và phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì công bố tái phát dịch vẫn còn 2 huyện Lâm Thao và thị xã Phú Thọ chưa có xã nào công bố hết dịch. 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Dịch bệnh có xu hướng lây lan nhanh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Tân Sơn, Đoan Hùng, Phù Ninh, Cẩm Khê, Lâm Thao; nguy cơ cao lây lan sang các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chưa thực hiện triệt để an toàn sinh học. Việc kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh tại một số xã đã công bố hết dịch có dấu hiệu chủ quan nên đã tái phát dịch trở lại. Một số người chăn nuôi có xu hướng tái đàn để phục vụ Tết của người chăn nuôi dễ làm phát sinh dịch bệnh.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã văn bản  tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, nhất là các địa phương chưa có dịch và địa phương đã công bố hết dịch; xác định người chăn nuôi đóng vai trò chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương phát hiện sớm, tổ chức xử lý ổ dịch đúng quy định, giám sát chặt chẽ các ổ dịch đã phát sinh để khống chế, không để dịch lây lan nhanh ra diện rộng; hướng dẫn các địa phương tổ chức quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế....

Đến nay, theo thống kê cả nước có 62 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Nhóm phóng viên thường trú (TTXVN)