11:12 30/11/2010

Dịch HIV vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát

Hai mươi năm sau ngày Việt Nam phát hiện có người nhiễm HIV đầu tiên, nhiều người bệnh vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Đặc biệt, dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát...

Ngày 22/11/2010, tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VME) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) tổ chức cuộc trưng bày "Nỗi đau và Hy vọng - 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam". Đây là lần đầu tiên HIV/AIDS được tiếp cận dưới góc độ bảo tàng học và văn hóa học thông qua những tư liệu, hiện vật, hình ảnh, giọng nói của những người đang chung sống với HIV/AIDS, các cán bộ y tế, những người làm công tác xã hội... Cuộc trưng bày này là một trong 10 sự kiện cấp quốc gia được tổ chức nhân 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong ảnh: Các đại biểu và cộng đồng xem các hiện vật trưng bày. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN

Hai mươi năm sau ngày Việt Nam phát hiện có người nhiễm HIV đầu tiên, nhiều người bệnh vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Đặc biệt, dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đòi hỏi toàn xã hội phải nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS hơn nữa mới có thể giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Xin Cục trưởng cho biết diễn biến tình hình dịch HIV của Việt Nam trong thời gian qua?

Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 12/1990, theo thống kê đến hết tháng 9/2010, cả nước có 180.312 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 42.339 bệnh nhân AIDS còn sống. Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam đã có 48.368 người tử vong do AIDS. Theo ước tính, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hiện nay là 0,28%. Như vậy có thể nói rằng chúng ta đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% dân số như mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 đã đề ra.

Tuy nhiên, dịch HIV vẫn đang chứa đựng các yếu tố phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đến nay, 100% các tỉnh, trên 97,8% số huyện và trên 74% số xã báo cáo có người nhiễm HIV. Nhiễm HIV trong nhóm nữ giới đang có xu hướng gia tăng. Năm 2010, tỷ lệ nhiễm HIV trong nữ giới đã xấp xỉ 30%, trong khi ở những năm đầu vụ dịch, thì người nhiễm HIV hầu hết là nam giới. Tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu được báo cáo trong năm 2010 vẫn chiếm tỷ lệ cao (49%). Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ người nhiễm HIV báo cáo do lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn theo từng năm tăng dần từ 12% (năm 2004) lên 27% (năm 2008) và 38% (năm 2010); tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn thậm chí còn chiếm từ 50-70% ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ.

Những thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay là gì, thưa Cục trưởng?

Bên cạnh một số kết quả đáng khích lệ, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, một số địa phương vẫn chưa thực sự tạo điều kiện cho việc mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV như chương trình trao đổi bơm kim tiêm và chương trình sử dụng bao cao su.

Hai mươi năm sau ngày phát hiện có người nhiễm HIV, Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử, một số trường hợp trẻ em không được nhận vào học, một số người bị gia đình và cộng đồng chối bỏ sau khi họ công khai tình trạng nhiễm HIV.

Việc dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục trong nhóm nam tình dục đồng giới, dự phòng lây lan sang những bạn tình chính của những người nhiễm HIV, những người tiêm chích ma túy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về độ bao phủ của chương trình để đảm bảo hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, việc tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị ARV của những người nhiễm HIV tại các trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội vẫn còn hạn chế.

Vấn đề hạn chế về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đã gây trở ngại cho việc nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS ở cả cấp tỉnh và huyện. Các chương trình phòng, chống HIV/AIDS thiếu các điều kiện để khuyến khích, thu hút và giữ chân các nhân viên có năng lực...

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới sẽ tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?

Chúng ta cần tiếp tục thực hiện các cam kết chính trị nhằm khuyến khích thay đổi hành vi, phổ biến rộng rãi các thông tin về HIV, nâng cao việc thực thi khung pháp chế hiện hành. Đây là những việc hết sức quan trọng trong việc giải quyết tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo việc mở rộng tiếp cận dự phòng, điều trị và chăm sóc về HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu. Mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV tại các trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng. Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực nhằm giữ chân những cán bộ có trình độ và tạo điều kiện phát triển năng lực cho cán bộ ở tất cả các cấp, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp, quản lý và điều phối các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến tỉnh. Tăng cường nguồn kinh phí địa phương cho HIV/AIDS và khuyến khích tập trung phân bổ nguồn lực cả ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS...

Xin cảm ơn ông!

Mai Phương (thực hiện)