04:06 23/04/2020

Dịch COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi xã hội số 

Dịch COVID-19 đã tác động lớn đến đời sống, hoạt động kinh tế. Để giảm sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội và đây cũng là cơ hội để chuyển đổi số quốc gia.

Cú huých sang trực tuyến

Đang có nhu cầu đăng kí hồ sơ kinh doanh, thay vì đến quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) nộp hồ sơ, anh Vũ Văn Trung đã sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến. Anh Trung cho biết: “Những thủ tục phức tạp khi làm hồ sơ trực tiếp như trước kia giờ đã được công khai trên cổng dịch vụ công và được cập nhật và hướng dẫn tận tình mà không cần phải đến UBND quận”.

Chú thích ảnh
Dạy học trực tuyến tại trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội.

Trong khi đó, hơn một tháng nay, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính công trực tuyến nhiều hơn nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: Quận đã triển khai 61 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 13 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Lượng người đến làm thủ tục trực tiếp giảm từ 15 - 20%, điều này đồng nghĩa quận cũng đã giảm được lượng hồ sơ giấy và số lượt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Chia sẻ thông tin về việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố vừa có chỉ đạo khẩn tới các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện về việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngay cả các cuộc họp giữa sở và địa phương cũng tăng cường hình thức họp trực tuyến.

Cùng với sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng quản trị số trong làm việc. Đơn cử, một doanh nghiệp nhỏ như Cơ sở sản xuất đồ uống Việt Hiếu (Hà Nội) cũng nhanh chóng làm việc trực tuyến qua phần mềm quản trị Amis.vn. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Kế toán trưởng cơ sở cho biết: Đơn vị áp dụng hệ thống quản trị Amis.vn từ năm 2016 và vừa mới nâng cấp hệ thống nên khi thực hiện giãn các xã hội, mọi công việc vẫn xử lý bình thường. Từ việc áp dụng hệ thống quản trị số, đơn vị hướng đến các giao dịch điện tử như hóa đơn điện tử, kê khai thuế qua mạng… 

Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa cho biết: Nhu cầu quản lý và vận hành doanh nghiệp thông qua lưu trữ dữ liệu tại không gian mạng như Cơ sở sản xuất đồ uống Việt Hiếu đã có từ lâu. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh như hiện nay đặt ra bài toán bắt buộc thay đổi và thích nghi kịp thời. Qua đợt dịch này, nhu cầu quản trị doanh nghiệp qua mạng ngày càng cao. Đối với nền tảng quản trị doanh nghiệp Amis.vn đã tăng khoảng30-40% lượng khách hàng so với thời điểm trước dịch.

Ở góc độ là công ty công nghệ, để hỗ trợ đơn vị làm việc trực tuyến, Misa đưa ra các sản phẩm ưu đãi khi ứng dụng phần mềm quản trị Amis.vn, chữ ký số eSign, hóa đơn điện tử. “Trong xu thế kết nối ngân hàng điện tử, kê khai thuế qua mạng… đang được ứng dụng vài năm gần đây nên công ty cũng coi đây là hướng ưu tiên nghiên cứu phát triển trước yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử. Khi mọi hoạt động tài chính – kế toán của công ty được đưa lên không gian mạng thì các thao tác của người dùng sẽ được tối giản hơn, minh bạch và chính xác hơn. Thay vì phải đi ra ngân hàng, cơ quan thuế… thì họ có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào”, ông Lê Hồng Quang cho biết.

Trong khi đó, các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng thích ứng sang học trực tuyến. Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) đã triển khai học trực tuyến từ đầu tháng 2/2020. Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc học trực tuyến là xu hướng tất yếu với nhiều môn học để bổ trợ lẫn nhau. Do đó, kể cả khi kết thúc dịch bệnh, nhà trường cũng sẽ thành lập Trung tâm học trực tuyến bởi đây là xu hướng tất yếu để học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi. Việc này sẽ được nghiên cứu bài bản thành hệ thống để có thể quản trị số tốt hơn. 

Ở cấp độ cao hơn, trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đầu tư hệ thống học trực trực tuyến E-learning theo hướng quản trị số. Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã ấp ủ dự án  học trực tuyến từ 3 năm trước. Do đó, nhà trường đã phối hợp với đơn vị công nghệ xây dựng hệ thống trực tuyến E-learning một cách đồng bộ. Hệ thống này không chỉ đơn thuần là tương tác giữa thầy và trò, mà là cả hệ thống quản trị dữ liệu các bài giảng, có phân cấp từ ban giám hiệu đến các phòng khoa, lớp học. Hệ thống được số hóa và quản trị chặt chẽ, bảo mật và tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của môn học. 

Khi dịch COVID-19 xảy ra, dự án học trực tuyến được nhà trường thúc đẩy nhanh hơn. Từ việc học gì, làm gì, phát biểu như thế nào, nộp bài ra sao tất cả các sinh viên đều được tập huấn. Sự tham gia, tương tác giữa thầy và trò đều được hệ thống ghi nhận, kiểm soát và đánh giá.. “Do đó, về cơ sở dữ liệu, chúng tôi sử dụng 2 công nghệ, một là công nghệ đám mây I-cloud; hai là đầu tư server - một máy chủ riêng của nhà trường. Do đó, không chỉ chuyển từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến mà còn mở ra phương pháp đào tạo không biên giới - tức là nhà trường có thể mời giáo viên giỏi từ nước ngoài tham gia giảng dạy, nếu học viên có nhu cầu, hoặc nhà trường thấy cần thiết”, thầy Đồng Văn Ngọc chia sẻ

 Nắm bắt cơ hội

Đầu tháng 4/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có thư ngỏ gửi các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp về việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần ngăn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 104.000 tài khoản đăng ký; 27,7 triệu lượt truy cập; trên 4,3 triệu lượt hồ sơ đồng bộ trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt đã có trên 23.000 hồ sơ xử lý thành công. Từ 8 nhóm dịch vụ công tại thời điểm khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Tập đoàn viễn thông Quân đội, Bưu chính viễn thông (VNPT), FPT... hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo, quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học; miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học. Các doanh nghiệp trên sẽ có những nền tảng (platform), các ứng dụng (applications) khác để tiếp tục cam kết hỗ trợ việc dạy - học từ xa.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Y tế cũng đã ra mắt ứng dụng khám bệnh từ xa với trung tâm điều hành tại Đại học Y Hà Nội. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng app trên điện thoại di động… Với những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp… 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhiều năm nay, chúng ta đã nói nhiều đến bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, kết nối liên thông giữa bệnh viện các tuyến, y học gia đình, nhưng chuyển biến chưa nhiều. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta chưa có nền tảng về hội nghị video trực tuyến, nền tảng về quản lý làm việc từ xa... Đây cũng chính là sự đặt hàng, sự kêu gọi của Chính phủ đối với cộng động doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.  Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn để cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến.

Bài và ảnh: Xuân Cường - Hoàng Tuyết