09:10 23/09/2020

Dịch COVID-19 - Nỗi lo chưa dứt

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 đang tăng mạnh ở Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu khác, tình hình dịch bệnh ở Italy nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.

Dù số ca nhiễm mới vẫn có chiều hướng dần tăng trở lại, nhưng cũng chỉ duy trì ở mức bình quân khoảng 1.500 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha và Pháp, vốn thời gian qua có thời điểm lên hơn 10.000 ca/ngày. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Brescia, vùng Lombardy, Italy ngày 13/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu phân tích của Trung tâm Bảo vệ và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, về tỷ lệ phần trăm dân số bị lây nhiễm, Tây Ban Nha ghi nhận tới 292,2 ca mắc COVID-19 trên 100 nghìn dân trong 14 ngày qua. Tỷ lệ này ở Pháp là 172,1, trong khi ở Italy chỉ là 33. Tuy nhiên, là một trong những quốc gia châu Âu từng chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, nỗi lo làn sóng dịch mới bùng phát vẫn thường trực ở đất nước vùng Địa Trung Hải này, nhất là khi Italy đã mở cửa lại trường học từ giữa tháng 9.

Hiện có nhiều ý kiến đánh giá tình hình dịch bệnh ở Italy được kiềm chế tốt hơn so với nhiều nước châu Âu khác là do người dân đã có ý thức hơn, tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh và giãn cách xã hội tốt hơn, đồng thời đã có thói quen vệ sinh tay thường xuyên bằng các loại gel diệt khuẩn. Một số chuyên gia thì lý giải đó là nhờ Italy đã có các hệ thống xét nghiệm và truy vết hiệu quả, cộng thêm các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh cũng như giãn cách xã hội. Một yếu tố khác cũng khá quan trọng là Italy đã ra quyết định phong tỏa sớm hơn tại thời điểm dịch bệnh mới bùng phát hồi cuối tháng 2, trong khi mở cửa trở lại các hoạt động muộn hơn so với những nước láng giềng.

Tuy nhiên, cũng có một vài cách lập luận khác. Chuyên gia y tế công hàng đầu Italy đồng thời là thành viên Ủy ban cố vấn khoa học Italy Nino Cartabellotta cho biết hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội, hoặc việc không tụ tập đông người ở Italy được tuân thủ tốt hơn so với các nơi khác. Theo bác sĩ Cartabellotta, chính lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, kéo dài và kịp thời ở Italy đã mang lại hiệu quả nhiều hơn so với những nước vốn do dự việc phong tỏa, hoặc chỉ phong tỏa cầm chừng và mở cửa trở lại các hoạt động sớm hơn.

Giống như Italy, Tây Ban Nha là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất khi dịch COVID-19 tấn công châu Âu. Và cũng giống Italy, Tây Ban Nha đã sớm áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhưng số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha đã tăng mạnh kể từ khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn hồi cuối tháng 6. Chỉ 3 tuần sau khi nới lỏng phong tỏa, tỷ lệ nhiễm tại Tây Ban Nha tăng gấp ba.

Các số liệu cho thấy tình hình dịch bệnh ở thủ đô Madrid thậm chí đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Madrid đã trở thành tâm dịch tại Tây Ban Nha với tỷ lệ mắc bệnh là gần 700/100.000 người trong vòng 2 tuần qua, gần gấp 3 lần mức trung bình trên cả nước. Tại một số khu vực nghèo ở Madrid, có tới trên 1% số người dân địa phương đã bị mắc COVID-19 trong khoảng 2 tuần qua. Ở một số vùng như Aragon và Catalonia, nơi tình hình dịch bệnh đã có xu hướng dịu đi trong mùa Hè, thì nay vẫn phải chứng kiến tình trạng số ca nhiễm mới ở mức cao.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Italy hiện thấp hơn nhiều, có lẽ một phần là do Italy mở cửa trở lại các hoạt động muộn hơn. Trường học ở Italy chỉ bắt đầu mở cửa trở lại kể từ ngày 14/9. Tại nhiều vùng ở Italy, một số trường vẫn đang đóng cửa. Tây Ban Nha mở cửa trường học kể từ đầu tháng 9, còn Pháp thì thậm chí từ tháng 5. Chính phủ Italy cuối tuần qua mới nới lỏng lệnh cấm khán giả đến xem các sự kiện thể thao và cho phép tối đa 1.000 khán giả trong mỗi sự kiện. Pháp lại cho phép một lượng khán giả đông hơn nhiều, đơn cử như có tới 11.500 người mỗi ngày được đến xem Giải quần vợt Pháp mở rộng Roland Garros 2020.

Trước diễn biến dịch tái bùng phát ở châu Âu, bác sĩ Cartabellotta cảnh báo, mặc dù Italy không chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày cao như các nước khác, nhưng Italy cũng có thể sẽ trượt theo xu hướng này nếu không cẩn trọng. Kể từ đầu tháng 6, khi các hoạt động được mở cửa trở lại ở Italy, số ca lây nhiễm bắt đầu gia tăng và kể từ cuối tháng 7 đến nay, đường cong lây nhiễm đang tăng trở lại, dù được cho là với tốc độ chậm hơn so với các nước khác.

Nhiều chính trị gia Italy cho rằng tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn ở nước này là nhờ Italy đã củng cố hệ thống y tế cũng như thiết lập được hệ thống xét nghiệm và truy vết thành công. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza hồi tháng 8 đã loại trừ khả năng tái áp đặt các lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong tương lai. Ông Roberto Speranza còn khẳng định các ổ dịch “đang được kiểm soát” ở những mức hiện tại và cơ quan chức năng có thể truy vết những ổ dịch này.

Ở Italy, việc xét nghiệm cho người dân cho đến nay chưa gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Mặc dù cách thức thực hiện ở mỗi vùng là khác nhau, nhưng bất cứ người dân nào nếu cho rằng mình đang có triệu chứng bị nhiễm SARS- CoV-2 thì đều có thể được bác sĩ gia đình kê đơn để đi xét nghiệm nhanh miễn phí. Hiện ở các trung tâm y tế vẫn thường có tình trạng người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm, nhưng số lượng không đến mức quá đông. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính, ngay lập tức cơ quan y tế sẽ tiến hành truy vết và xét nghiệm những đối tượng tiếp xúc với người đó chỉ trong vòng vài ngày. Điều này phần nào là nhờ phần mềm ứng dụng truy vết tiếp xúc Immuni trên điện thoại đã được phổ biến cài đặt rộng rãi trong dân chúng.

Song vẫn có ý kiến đánh giá số ca nhiễm mới ở Italy thấp hơn so với các nước châu Âu khác đơn giản chỉ vì nước này tiến hành xét nghiệm với số lượng ít hơn. Trên thực tế, Pháp và Tây Ban Nha đã tiến hành nhiều xét nghiệm hơn Italy. Trong vòng 3 tháng qua, Tây Ban Nha tiến hành xét nghiệm với tỷ lệ khoảng 0,73 người/1000 người. Tỷ lệ này ở Pháp là 0,78 trong khi ở Italy là 0,41. Nhưng con số quan trọng nhất lại chính là tỷ lệ phần trăm số xét nghiệm cho kết quả dương tính trong giai đoạn đó, vốn là gần như nhau ở cả 3 nước: 1% ở Italy, 1,1% ở Tây Ban Nha và 1,3% ở Pháp.

Bác sĩ Cartabellotta nhận định tình hình bệnh dịch ở Italy trong những tuần và những tháng tới sẽ phụ thuộc vào hành vi của người dân cũng như khả năng xét nghiệm và truy vết của hệ thống y tế. Ông Cartabellotta cũng hy vọng các vùng ở Italy sẽ không lặp lại những sai lầm hồi tháng 4 và tháng 5, khi không muốn thực hiện nhiều cuộc xét nghiệm nhằm tránh nguy cơ phải kéo dài lệnh phong tỏa.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 4/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Italy hiện vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh và giãn cách xã hội khá nghiêm ngặt. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, trong các cửa hàng, nhà hàng hoặc trên phương tiện công cộng. Các sàn nhảy, hộp đêm vẫn bị đóng cửa. Số lượng khán giả tham dự các sự kiện ngoài trời chỉ giới hạn ở mức 1.000 người. Đối với các sự kiện tổ chức ở trong nhà thì con số này giới hạn ở mức 200. Trong trường học, nhà chức trách cũng áp dụng nhiều quy định về đeo khẩu trang và giãn cách.

Về đi lại, những người trở về từ Tây Ban Nha, Malta, Hy Lạp và Croatia bắt buộc phải được xét nghiệm. Du khách đến từ Romania và Bulgaria đều bắt buộc phải cách ly. Italy cũng tạm thời cấm công dân 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nước này. Đối với công dân đến từ các nước khác, trong đó có Mỹ, chỉ những trường hợp có lý do chính đáng mới được phép vào Italy và bắt buộc phải cách ly trong vòng 14 ngày.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đánh giá Italy là hình mẫu trong đối phó với COVID-19. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Italy không được mất cảnh giác trước thực trạng dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan tại quốc gia này và nhiều nước châu Âu khác. Khi mùa Đông đến, với việc mở cửa lại trường học và mọi người trở lại cuộc sống bình thường, người dân Italy càng cần phải tự bảo vệ bản thân và những người khác. 

Thực tế thì Italy từng là tâm dịch ở châu Âu, cách đây 6 tháng nước này luôn nằm trong 3 điểm nóng thế giới về tốc độ gia tăng ca nhiễm và tử vong. Đại dịch cũng  giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của đất nước vốn được xem là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhất thế giới. Kinh tế Italy đã rơi vào suy thoái, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 11,2% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên toàn châu Âu, nỗi ám ảnh về đợt dịch nghiêm trọng hồi tháng 3 lại khiến người dân Italy lo ngại. Hiện Italy vẫn áp dụng các biện pháp mạnh và duy trì tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 cho đến ngày 15/10 tới, cho phép chính quyền từ trung ương tới địa phương có nhiều thẩm quyền hơn trong xử lý đại dịch, chẳng hạn như các bộ trưởng có thể dễ dàng tuyên bố thiết lập các "vùng đỏ" nếu dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại những vụ việc như vụ khoảng 1.000 người tụ tập biểu tình tại trung tâm thủ đô Rome hồi đầu tháng này nhằm chống lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, có thể cản trở những nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai ở Italy.

Ngự Bình (Phóng viên TTXVN tại Italy)