05:16 07/05/2021

Dịch COVID-19 không làm giảm nhu cầu kim cương tại Trung Quốc

De Beers Group - tập đoàn quốc tế chuyên khai thác và kinh doanh kim cương có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cho biết, sức mạnh của nhu cầu tiêu thụ kim cương đánh bóng ở Trung Quốc đã mang lại lợi ích trực tiếp cho Botswana vì giúp thúc đẩy nhu cầu đối với kim cương thô được khai thác ở quốc gia phía Nam châu Phi này.

Kesego Oki, Giám đốc truyền thông đối ngoại của De Beers cho biết, một số nhà bán lẻ trang sức kim cương nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc là khách hàng mua kim cương thô của De Beers Group.

De Beers có liên doanh khai thác 50/50 với Chính phủ Botswana mang tên Debswana. Công ty liên doanh này bán kim cương thô được khai thác ở Botswana thông qua đơn vị kinh doanh mang tên Global Sightholder Sales cho các đại lý kim cương hàng đầu thế giới. Các đại lý này sẽ cắt gọt và đánh bóng những viên kim cương đó để bán tới tay người tiêu dùng tại các thị trường như Trung Quốc.

Bà Oki nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh kim cương toàn cầu, bởi nước này là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới về doanh số bán đồ trang sức kim cương và cũng đang có mức tăng trưởng kinh tế đáng kể, với tiềm năng tăng trưởng hơn nữa trong những năm tới".

Trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/3/2021, tổng giá trị kim cương nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua Sở giao dịch Kim cương Thượng Hải (SDE) đã tăng 393% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 722 triệu USD, trong khi khối lượng nhập khẩu tăng 394% lên 699.500 carat.

Theo bà Oki, nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường tiêu dùng quan trọng như Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến tiềm năng phát triển ngành kim cương của Botswana trong dài hạn. Bà cho biết, doanh thu từ việc bán những viên kim cương thô này đóng góp to lớn vào đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Botswana và đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình nhờ tốc độ tăng trưởng GDP thuộc diện nhanh nhất thế giới trong 50 năm qua.

Vào năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19 nhanh hơn so với nhiều nền kinh tế khác và nhu cầu về kim cương đánh bóng cũng cải thiện ngay sau đó. Điều này cho thấy đà tăng trưởng liên tục của nhu cầu đối với kim cương thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả vào thời điểm nhu cầu giảm ở các thị trường chủ chốt khác.

Minh Trang (TTXVN)