03:17 18/03/2020

Dịch COVID-19 gián tiếp cứu sống 77.000 người Trung Quốc

Các biện pháp đóng cửa mà Trung Quốc tiến hành nhằm kiểm soát dịch COVID-19 có thể đã cứu sống hàng chục nghìn người nhờ việc giảm ô nhiễm không khí do các nhà máy và phương tiện giao thông thải ra.

Chú thích ảnh
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ khi thành phố bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), đây là phân tích cập nhật của ông Marshall Burke, giáo sư chuyên nghiên cứu các hệ thống Trái Đất thuộc Đại học Standford. Sử dụng dữ liệu thu thập từ các trạm quan trắc không khí của Mỹ đặt tại 4 thành phố Trung Quốc để đo nồng độ bụi mịn PM2.5, ông Burke đã tính toán bình quân tác động của việc giảm ô nhiễm không khí đối với tỷ lệ tử vong trên toàn quốc.

Theo đó, hai tháng giảm ô nhiễm không khí có thể đã cứu sống 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi và 73.000 người già trên 70 tuổi tại Trung Quốc. Tác động đặc biệt rõ nét tại các thành phố phía Nam Trung Quốc như Thượng Hải, Vũ Hán, khi ô nhiễm không khí trong mùa đông chủ yếu là do khí thải từ xe hơi và sản xuất công nghiệp.

Còn theo chuyên gia phân tích Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CEREA), các biện pháp đóng cửa để chống dịch tại Trung Quốc đã giúp giảm 25% lượng khí thải carbon trong tháng đầu tiên dịch bùng phát, tương đương với 200 megaton khí CO2. Mức giảm chủ yếu là do giảm tiêu thụ than đá, dầu mỏ, hoạt động giao thông và các nguồn phát thải khác.

Tuy nhiên, dữ liệu thu thập được từ vệ tinh cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tại Trung Quốc lại tăng lên khi chính quyền nới lỏng quy định đóng cửa, phong tỏa.

Ông Burke lưu ý những tính toán trên đây là dự báo về tác động với tỷ lệ tử vong, không phải là phương pháp tính toán. Số liệu công bố không bao gồm tác động tiêu cực mà biện pháp đóng cửa gây ra. Ông chia sẻ rằng những thông tin trên là lời nhắc nhở hữu ích về hậu quả sức khỏe mà ô nhiễm gây ra. Nó cho thấy mối liên hệ giữa cách hành xử của con người với sức khỏe và cuộc sống của chính mình.

Hoài Thanh/Báo Tin tức