03:16 19/03/2020

Dịch COVID-19: Bóng đá châu Âu 'khóc ròng' vì thất thu

Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền bóng đá khắp thế giới, nhất là tại châu Âu. Trong đó, "lục địa già" đang đứng trước nguy cơ bị hoãn vô thời hạn, nhiều câu lạc bộ có thể mất hàng trăm triệu euro.

Chú thích ảnh
Ngoại hạng Anh tạm dừng thi đấu đến ngày 3/4. Ảnh: AP.

Được xem là tâm điểm của dịch bệnh, châu Âu đang phải gồng mình chịu đựng thảm họa, trong đó, lĩnh vực thể thao gánh rất nhiều tổn thất. Cho tới trước đầu tuần này, UEFA và nhiều LĐBĐ thành viên vẫn tin các hoạt động bóng đá có thể diễn ra bình thường, dù diễn ra trong sân đấu không khán giả. Các nhà lãnh đạo của bóng đá châu Âu cho rằng dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng lớn đến môn thể thao vua và mùa giải vẫn phải tiếp diễn.

"COVID-19 đang đẩy thể thao thế giới đối mặt một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Thể thao đã bị vây hãm trong vài thập niên gần đây bởi doping và tẩy chay, nhưng nó chẳng là gì so với quy mô ảnh hưởng của COVID-19. Mỗi trận đấu hoặc sự kiện bị hủy bỏ, tác động kinh tế cho thể thao rất khủng khiếp" - Ông Simon Chadwick, Giám đốc Trung tâm công nghiệp thể thao Á - Âu.

Tuy nhiên, giờ đây bóng đá lục địa già đang phải đối phó với mối nguy cơ lớn từ dịch COVID-19 và đứng trước bài toán nan giải nhất trong lịch sử.

Và mới đây nhất là việc sân khấu lớn nhất của bóng đá châu Âu EURO 2020 chính thức bị dời lịch thi đấu sang năm 2021. Theo đó, các trận play-off giành vé vớt tới EURO đều phải dời lịch thi đấu sang tháng 6 tới. Về lý thuyết là vậy nhưng thực tế phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của bệnh COVID-19.

Quyết định cuối cùng về số phận của Champions League và Europa League mùa này vẫn chưa được UEFA đưa ra. Hiện tại, cả Champions League lẫn Europa League đang tạm dừng ở vòng 1/8

Chắc chắn, việc phải lùi lịch thi đấu của các trận ở Champions League và Europa League sẽ khiến tổ chức này thất thu hàng triệu euro tiền bản quyền truyền hình, cũng như đau đầu trong việc sắp xếp lại lịch thi đấu.

Chú thích ảnh
Giải Serie A của Italy dự kiến thi đấu vào 3/5. Giải bóng đá hàng đầu của Romania dự kiến trở lại thi đấu vào 16/5. Tại Thụy Điển, các câu lạc bộ đang gửi yêu cầu lùi lịch thi đấu tới tháng 6. Ảnh: AP.

Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh có nguy cơ không thể hoàn thành bản hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá đến 3,3 tỷ euro nếu giải đấu không diễn ra trọn vẹn với bất kỳ lý do nào, kể cả khi ra sân trở lại nhưng không thể kết thúc vào ngày 31/7.

Một CLB hàng đầu ở châu Âu có thể thất thu từ 2 - 5 triệu euro cho mỗi trận đấu diễn ra mà không có khán giả.

Đấy là thời điểm được ghi trong hợp đồng ký với hai kênh Sky Sports, BT Sport cũng như các đài truyền hình nước ngoài bởi sau đó một ngày, hợp đồng cho mùa giải mới sẽ chính thức được kích hoạt.

20 CLB thành viên của Premier League cũng có thể thất thu tổng cộng đến 830 triệu euro bản quyền truyền hình cho 9 hoặc 10 vòng đấu còn lại nếu mùa giải 2019 - 2020 buộc phải hủy bỏ hoặc tiếp tục thi đấu nhưng không theo đúng hạn thời gian đã ký kết. Đó là lý do Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh quyết định tổ chức cuộc họp với đại diện 20 CLB thành viên vào ngày 19/3 để tìm giải pháp tháo gỡ.

Hiện tại, các đài truyền hình vẫn chưa yêu cầu bất kỳ khoản bồi thường nào vì giải Ngoại hạng Anh chỉ bị hoãn đến ngày 4/4. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì khả năng Ngoại hạng Anh mùa giải 2019 - 2020 được tiếp diễn là rất chông chênh. Ưu tiên hàng đầu lúc này là mùa giải năm nay phải được hoàn thành vào một khoảng thời gian nào đó, vừa bảo vệ sự trọn vẹn của giải đấu mà vẫn đảm bảo khoản thu bản quyền phát sóng.

Chú thích ảnh
Trận đấu giữa Borussia Moenchengladbach và 1.FC Cologne hôm 11/3 là trận đấu đầu tiên của Bundesliga thi đấu trên sân không khán giả trước khi tam dừng lịch thi đấu. Ảnh: AP.

La Liga và Serie A lo mất trắng mỗi giải cỡ 700 triệu euro bản quyền truyền hình, nếu mùa giải hiện tại không thể kết thúc vì bệnh COVID-19.

Ban tổ chức La Liga cũng sớm công bố mức thất thu dự kiến phải gánh chịu nếu hai giải Hạng nhất và Vô địch quốc gia phải hủy bỏ vì tình hình dịch bệnh. Cả hai giải đấu này đều còn 11 vòng đấu cuối và trong trường hợp phải hủy giải, số tiền không thể thu về từ bản quyền truyền hình cũng như phải trả lại tiền vé cho người mua từng trận cũng như mua cả mùa lên đến xấp xỉ 700 triệu euro.

Còn với Serie A, giải đấu vẫn còn 12 - 13 vòng đấu. Sau khi chính quyền Italy quyết định hoãn toàn bộ hoạt động thể thao tại nước này cho đến tháng 4, các CLB của Serie A không biết số phận của mùa giải 2019-2020 rồi sẽ đi về đâu. Nếu mùa giải kết thúc dở dang, cộng thêm những trận cuối của Cúp Quốc gia, sân cỏ nước Italy sẽ thất thu 430 triệu euro bản quyền truyền hình, tiền vé và các giao dịch thương mại khác cũng mất khoảng gần 300 triệu euro.

Nhiều câu lạc bộ còn phải chi trả thêm các cầu thủ hết hạn hợp đồng cuối mùa để họ ở lại thi đấu nốt giải. Bên cạnh đó, mùa giải kết thúc muộn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch du đấu mùa hè đã sắp lịch từ lâu của những đội bóng có nhiều ngôi sao.

UEFA đã cam kết cố gắng kết thúc mùa giải của CLB trước ngày 30/6, nhưng ngày về đích sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.

Theo KPMG - một công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, các CLB trong 5 giải hàng đầu châu Âu là Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Serie A (Italy) và Ligue 1 (Pháp), thường được gọi là “Big Five”, đều phụ thuộc rất nhiều vào tiền truyền hình để giúp lấp đầy “kho bạc” của họ. Nếu hủy giải đấu, ước tính Ngoại hạng Anh sẽ mất nhiều nhất, với 1,25 tỷ euro sẽ “bốc hơi”, trong đó có khoản 800 triệu euro tiềm năng trong doanh thu phát sóng. La Liga có thể mất tới 600 triệu euro, Serie A là 450 triệu euro, Bundesliga và Ligue 1 sẽ lần lượt mất tương ứng 400 và 200 triệu euro từ các đài truyền hình.
Minh Thy/Báo Tin tức